(HNM) - Trong 10 năm qua, mặc dù đã có nhiều chuyển biến, song phải thừa nhận kinh tế tập thể (KTTT) của Hà Nội với nòng cốt là các HTX vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đổi mới phương thức, mô hình hoạt động, điều đó dẫn đến hiệu quả thấp. Đây là những vấn đề cần nhanh chóng tháo gỡ để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Nhiều rào cản, thiếu hướng dẫn thực hiện
Hiện nhiều HTX của Hà Nội đến nay vẫn chưa có trụ sở làm việc hoặc chỉ có nhà tạm chưa được cấp quyền sử dụng đất. Kết quả điều tra, khảo sát tại 916 HTX mới đây cho thấy, Hà Nội chỉ có 2,59% HTX được cấp sổ đỏ và có tới hơn 40% HTX phải ở nhờ trụ sở UBND phường (xã), nhà văn hóa, đình, chùa, điếm canh đê hoặc phải thuê, mượn... Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm đánh giá, trong 10 năm qua, số lượng HTX nông nghiệp của Hà Nội biến động không nhiều, với những HTX chuyển đổi, bình quân có 1.042 xã viên/HTX tham gia, vốn góp của xã viên được phân bổ từ giá trị tài sản, vốn của HTX cũ chuyển sang, xã viên không phải góp thêm vốn nên vẫn mang tính hình thức. Hầu hết các HTX nông nghiệp mới thực hiện 4 khâu dịch vụ "đầu vào" không mang tính cạnh tranh cao, còn lại các dịch vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm hoặc tổ chức sản xuất, kinh doanh… vẫn bỏ ngỏ. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất, vị trí, vai trò, tính tất yếu khách quan của phát triển KTTT còn hạn chế, thiếu tin tưởng vào hiệu quả của KTTT...
Trưởng phòng tổ chức phong trào của Liên minh HTX thành phố Hà Nội Nguyễn Quang Hải cho rằng, Luật HTX năm 2003 có hiệu lực từ ngày 1-7-2004 nhưng hầu hết các nghị định, văn bản hướng dẫn ban hành vào năm 2005. Nghị định 88/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ quy định 9 chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển KTTT, mới có 4 chính sách có thông tư hướng dẫn hoặc quyết định thực hiện (về hỗ trợ thành lập HTX, đào tạo cán bộ, tín dụng và quyết định thành lập quỹ hỗ trợ phát triển HTX); các chính sách còn lại chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện (giao đất không thu tiền cho HTX nông nghiệp và việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ HTX đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống của cộng đồng xã viên).
Ngoài ra, một số chính sách ban hành chưa cụ thể và không sát thực tế, khó thực hiện như: Chính sách bảo hiểm quy định người lao động làm việc trong HTX, liên hiệp HTX hưởng tiền công theo hợp đồng lao động đủ 3 tháng trở lên là đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khi cán bộ chủ chốt HTX do xã viên bầu ra, không có hợp đồng lao động; Chính sách miễn thuế thu nhập DN cho các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp có thu nhập từ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trong khi hầu hết các HTX đã chuyển sang làm dịch vụ cho xã viên nên không được miễn… Một số nội dung chính sách khác chưa được ban hành như: Chính sách tăng cường cán bộ về công tác ở HTX; Chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển KTTT trong các lĩnh vực có tính xã hội hóa cao như vệ sinh môi trường, nước sạch nông thôn, nhà ở xã hội, y tế, giáo dục…
Những biện pháp tháo gỡ
Thực tế đã xuất hiện một số địa phương có cách làm hay, hiệu quả trong việc thực hiện nâng cao, đổi mới hoạt động của KTTT. Điển hình như huyện Sóc Sơn đã đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, tiến hành giải thể 26 HTX yếu kém theo hình thức tự nguyện, thành lập mới 46 HTX trên cơ sở xã viên tự nguyện, có nhu cầu góp vốn mới. Từ một huyện có nhiều HTX yếu kém nhất TP, đến nay huyện Sóc Sơn đã hình thành được 14 HTX điển hình. Bên cạnh đó, Liên minh HTX TP Hà Nội đã triển khai củng cố, xây dựng mô hình tổ chức quản lý theo Luật HTX và tư vấn, hướng dẫn cho 11 HTX ở 11 xã điểm NTM xây dựng Đề án củng cố HTX thành công. Vốn điều lệ, vốn góp tối thiểu của xã viên các HTX này được điều chỉnh nâng lên đáp ứng yêu cầu mở rộng, phát triển thêm ngành nghề mới...
Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Hà Nội Phạm Văn An khẳng định: Để KTTT phát triển đề nghị thành phố rà soát, bổ sung các chính sách hiện có, quan tâm đến các HTX nông nghiệp, môi trường, tín dụng, nhà ở và nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ HTX. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, các chủ trương, chính sách về KTTT cả chiều rộng và chiều sâu trên các phương tiện thông tin đại chúng đến cán bộ, đảng viên, xã viên và nhân dân nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức về phát triển KTTT. Tăng cường liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác. Các quận, huyện, thị xã lựa chọn HTX để xây dựng mô hình HTX điển hình tiên tiến. Các HTX nông nghiệp cần nghiên cứu chuyển hướng hoạt động theo mô hình kinh doanh, dịch vụ tổng hợp đa ngành, mở rộng phát triển các ngành nghề dịch vụ mới cho xã viên và hộ sản xuất nông nghiệp. Thành phố cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí để tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX, Quỹ TDND. Kiên quyết giải thể các HTX chưa chuyển đổi hoặc không có khả năng chuyển đổi, HTX đã chuyển đổi nhưng không hoạt động hoặc tồn tại hình thức. Hợp nhất các HTX quy mô thôn, liên thôn hoạt động kém hiệu quả thành các HTX quy mô xã để tăng tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động. Hằng năm khảo sát, đánh giá toàn diện khu vực KTTT; tổng kết và xây dựng mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến để KTTT phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.