Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế số chiếm tỷ trọng 14,26% trong GDP

Thanh Hà| 03/01/2023 15:48

(HNMO) - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, năm 2022, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đạt 14,26% GDP; tỷ trọng này năm 2021 là 11,91% và mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 đạt khoảng 7,5%.

Các nhà mạng đã đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tổng số lượt tải mới các ứng dụng trên thiết bị di động của Việt Nam đạt 3,23 tỷ lượt, tăng 3% so với năm 2021. Với tỷ lệ này, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí số 9 toàn cầu về số lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động.

Theo lý giải của Bộ Thông tin và Truyền thông, đây là những kết quả tích cực bước đầu trong phát triển kinh tế số, xã hội số. Để đạt được những kết quả này, có một số nguyên nhân sau:

Về thể chế, chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ngày 31-3-2022). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đã có 2/22 bộ, ngành; 28/63 địa phương đã ban hành kế hoạch hành động triển khai Chiến lược; 26/63 địa phương đã ban hành kế hoạch hành động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế; 30/63 địa phương đã ban hành kế hoạch hành động thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.

Về công nghiệp công nghệ số, Việt Nam có khoảng 70.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin với tổng doanh thu ước tính 148 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 20 thế giới về ứng dụng phần mềm nguồn mở và xếp ở vị trí thứ 3 tại khu vực ASEAN, sau Singapore và Indonesia.

Về hạ tầng số, Việt Nam thuộc tốp 10 quốc gia toàn cầu về sử dụng IPv6 và được đánh giá là 1/20 nước có tỷ lệ sử dụng internet nhiều nhất thế giới, đạt 70,3% dân số; 75,8% dân số có điện thoại thông minh, tăng 1,4%. Tỷ lệ phủ sóng di động tại các thôn, bản đạt 99,73%, tăng 1,9% so với năm 2021.

Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 79,95 Mbps, tăng 29,60%, xếp thứ 45/193 và cao hơn mặt bằng chung của thế giới là 71,39 Mbps. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 39,48 Mbps, tăng 11,1%, xếp thứ 52 và cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới là 33,17 Mbps. Số thuê bao di động sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt 2.659.719 thuê bao, tăng gấp hơn 7,3 lần (362.721 thuê bao).

Về ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) được thử nghiệm ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: Hệ thống giao thông thông minh thu phí không dừng; xe tự hành cấp độ 3; chẩn đoán và điều trị đột quỵ; nội soi; lao phổi; ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Với nền tảng số phục vụ người dân, sự thành công của Grab (công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore) dẫn đến làn sóng các hãng vận tải công nghệ Việt ra đời như: Go-Việt, Be, Fast-Go, Aber, VATO, Mai Linh Bike, MLV, Go-ixe, Xelo, MyGo. Ngoài ra, các ứng dụng còn xuất hiện ở lĩnh vực du lịch, đặt phòng khách sạn và nhiều ngành, lĩnh vực khác… Hiện có trên 10 triệu người dùng thường xuyên 8 ứng dụng là Zalo, Zing MP3, Momo, Báo mới, Bluezone, VCB, Tiki, My Viettel.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (Chương trình SMEdx) bằng các nền tảng số Việt Nam hiện đã có 671.469 doanh nghiệp tiếp cận, tham gia. Trong đó, 77.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số, chiếm 12% tổng số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận chương trình…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế số chiếm tỷ trọng 14,26% trong GDP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.