(HNM) - Ba tháng đầu năm 2012, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TP Hồ Chí Minh tăng 7,4%, gấp 1,85 lần mức tăng chung cả nước là 4%. Tuy nhiên, nền kinh tế của TP vẫn còn nhiều khó khăn và những DN trên địa bàn đang hết sức nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.
GDP tăng gấp 1,85 lần mức tăng chung cả nước
Thông tin từ hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2012, tổ chức ngày 3-4, cho biết, GDP quý I của TP ước đạt 99.384 tỷ đồng, tăng 7,4% (so với cùng kỳ năm 2011 tăng 10,3%). Đây là mức tăng thấp nhất so với các năm qua (chỉ cao hơn mức tăng 4% của năm 2009, năm chịu tác động khủng hoảng tài chính thế giới). Theo ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, GDP tăng trưởng thấp là do khó khăn chung, tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khủng hoảng nợ Châu Âu tiếp tục lan rộng; trong nước sức mua thấp, lãi suất cao, DN thiếu vốn, giá xăng dầu tăng... Tuy nhiên, nếu so với mức tăng bình quân cả nước là 4% thì TP Hồ Chí Minh vẫn cao hơn 1,85 lần.
Dây chuyền sản xuất Tôn Đông Á (Bình Dương). Ảnh: Chí Lâm |
Trong 3 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm, tháng 3 chỉ tăng 0,12% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 2,2%) và trong 3 tháng chỉ tăng 2,35%. Tuy nhiên, dù tình hình lạm phát có xu hướng cải thiện nhưng thị trường vẫn còn nhiều diễn biến khó lường; bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục; hoạt động tín dụng dù được siết chặt nhưng rủi ro từ nợ xấu vẫn cao, xuất khẩu sụt giảm so với cùng kỳ khi chỉ tăng 8,6% (cùng kỳ tăng 20,7%)...
Khó khăn chung của nền kinh tế đã tác động đến thu chi ngân sách của TP. Bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, đây là lần đầu tiên thu ngân sách giảm (giảm 7,5% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 35,5%). Trong đó, sụt giảm nhiều nhất ở lĩnh vực nhà đất với hơn 3.000 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng giảm 9,9%…
"Khám sức khỏe" để loại ra những DN yếu kém
Ông Thái Văn Rê cho biết, tính đến cuối tháng 3 có 4.988 DN được thành lập với tổng vốn đăng ký hơn 23.400 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số lượng DN tăng gần 31% nhưng số vốn đăng ký lại giảm hơn 7%. Điều này cho thấy DN mới thành lập chỉ đầu tư với quy mô thấp. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, 526 DN đã hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch - Đầu tư, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn theo tổng hợp của cơ quan thuế thì hiện có đến 931 DN đã khóa mã số thuế để giải thể. Số DN gửi thông báo ngừng hoạt động đến Cục Thuế còn lớn hơn gấp nhiều lần, lên tới 5.012 DN.
Theo cung cấp của ông Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận 1, địa bàn hiện có 8.830 DN đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, chỉ có 6.828 DN có hoạt động thực tế, còn lại là DN "ma". Thời gian qua, cũng có hơn 400 hộ kinh doanh cá thể đăng ký giải thể do kinh doanh không hiệu quả. Lãnh đạo quận Tân Bình cũng cho biết, trên địa bàn quận có đến 30% DN thành lập mới mà không hoạt động… Trong khi đó, tại các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX) TP, từ đầu năm đến nay đã có 100 DN ở khu vực này ngừng hoạt động. Tuy nhiên, đây chỉ là những DN nhỏ, vào KCX - KCN để thuê nhà xưởng sản xuất kinh doanh, hết hợp đồng thì trả lại mặt bằng, nên theo đại diện Ban Quản lý các KCN - KCX TP, tình trạng này cũng không đáng lo lắm. Điều đáng lo là năm nay các DN đăng ký tuyển dụng lao động thấp hơn năm trước rất nhiều. Nếu như năm 2011, các DN đăng ký tuyển 50.000 lao động thì năm 2012 chỉ đăng ký tuyển 30.000 lao động. Điều này chứng tỏ DN chỉ cố gắng duy trì chứ không mở rộng quy mô sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công thương nhận định, các DN hiện đang gặp rất nhiều khó khăn và trong quý II DN sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa vì tình hình kinh tế thế giới vẫn bất ổn, các mặt hàng đầu vào tăng giá sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Do vậy các DN đang cần được giảm lãi suất ngân hàng; giãn thuế cho ngành dệt may, da giày, thủy hải sản; tháo gỡ những vướng mắc về thuế bảo vệ môi trường với túi ni lông…
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho rằng, mức tăng trưởng 7,4% là hợp lý so với tình hình chung hiện nay. DN bị giải thể nhiều nhưng phần lớn là DN nhỏ, vậy nên bối cảnh này được xem như là cuộc "khám sức khỏe" để loại ra những DN yếu kém. Điều đáng mừng là các DN lớn trên địa bàn TP vẫn duy trì được ổn định. Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý rằng, từ trước đến nay GDP quý sau luôn cao hơn quý trước, tuy nhiên với tình hình khó khăn như hiện nay chưa chắc sẽ duy trì quy luật này. Vì vậy, để đạt mức tăng trưởng cả năm trên 10% như mục tiêu đề ra, các cấp ngành, các DN cần phải cố gắng hơn nữa. TP sẽ tập trung giải quyết khó khăn cho DN một cách cụ thể, thiết thực hơn, đặc biệt là giải quyết khó khăn về vốn để DN ổn định sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu để phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.