Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ

Hồng Sơn| 31/03/2022 06:10

(HNM) - Nền kinh tế vừa đi qua quý I-2022 thể hiện sức vươn mạnh mẽ và rõ nét. Đó là kết quả từ sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh linh hoạt, hiệu quả. Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước và các ngành, lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế được coi là “điểm cộng” đáng ghi nhận, đồng thời là tiền đề để phát huy, hướng tới kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội trong quý I-2022 tăng 5,83% so với cùng kỳ năm 2021. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment (huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang

Chuyển biến tích cực

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế Việt Nam quý I-2022 đã có nhiều thay đổi tích cực và khả quan. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021. Các ngành, lĩnh vực chủ chốt đều đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, như ngành công nghiệp tăng 7,07%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,79%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 9,75%; vận tải, kho bãi tăng 7,06%...

Nền kinh tế cũng được bổ sung một lượng vốn lớn, để chuyển hóa thành năng lực sản xuất mới trong thời gian tiếp theo. Cụ thể, cả nước có gần 34,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 471,2 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% về số doanh nghiệp, tăng 5,2% về vốn đăng ký. Nếu tính cả 706,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2022 là 1.177,9 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội trong quý I-2022 tăng 5,83% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng cao hơn so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,3% (công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,3%).

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, kết quả trên có được là do Quốc hội, Chính phủ, các cấp, ngành luôn theo sát tình hình, kịp thời áp dụng nhiều biện pháp phù hợp, thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Đó là quyết liệt trong việc xác lập tình trạng "bình thường mới"; khai thông thị trường, bảo đảm kết nối cung - cầu; giãn, hoãn, giảm thuế hoặc các khoản phải đóng của doanh nghiệp; linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa, hỗ trợ người lao động...

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết, hiện tại nhiều đơn vị đã có đơn hàng đến hết quý III-2022. Dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ là thuận lợi cho ngành vì các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang phát huy hiệu quả, doanh nghiệp có thêm cơ hội mở rộng thị trường.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Hưng cũng nhận định, cộng đồng doanh nghiệp đang quen dần với trạng thái "bình thường mới". Các nguồn nguyên liệu, thị trường cũng được kết nối sau thời gian gián đoạn và nhiều đơn vị đã phục hồi rõ nét.

Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường, Quốc hội có Nghị quyết số 43/2022/ QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có những chính sách thiết thực như hỗ trợ tiền thuê nhà 3 tháng, tiền quay trở lại thị trường lao động với công nhân, hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp… đã tạo điều kiện cho phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Việc kiểm soát giá cả, bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa là một trong những giải pháp để duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Hà Đông). Ảnh: Bảo Phương

Chủ động duy trì đà tăng trưởng

Thời gian tới, Tổng cục Thống kê đưa ra 2 dự báo về tăng trưởng cả năm 2022. Thứ nhất, với giả định căng thẳng trên thế giới và dịch Covid-19 vẫn phức tạp... tăng trưởng quý II là 5,5%, quý III là 7,5%, quý IV là 6,1%. GDP cả năm là 6%. Thứ hai, với giả định xung đột trên thế giới hạ nhiệt, hoạt động kinh tế được mở rộng, tăng trưởng quý II là 6,1%, quý III là 8%; quý IV là 6,7 % và GDP cả năm là 6,5%. Tuy nhiên, với kịch bản nào thì đây vẫn là một thách thức không nhỏ bởi những yếu tố bất lợi, khó lường, như nguy cơ tăng giá trên thị trường thế giới đối với nguyên, nhiên liệu; diễn biến dịch Covid-19; bất thường về thời tiết và khó khăn trong nội tại doanh nghiệp… vẫn hiện hữu.

Từ đó, Tổng cục Thống kê khuyến nghị 7 giải pháp trong những tháng cuối năm để duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Trong đó, quan trọng nhất là tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; triển khai đồng bộ, quyết liệt, chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023; đặc biệt bảo đảm giải ngân hết 100% số vốn đầu tư công được giao. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế...

Các chuyên gia kinh tế cũng kiến nghị cần thúc đẩy sản xuất trong nước tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu trong nước; đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững; khẩn trương khôi phục thị trường du lịch; đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, vướng mắc cản trở sản xuất, kinh doanh.    

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2-2022, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành, sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan chức năng cũng đang vào cuộc, với quyết tâm cao nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thông qua những quyết sách, biện pháp thiết thực. Tất cả nhằm khơi thông các nguồn lực, tạo ra động lực, góp phần vào tăng trưởng năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế phục hồi mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.