Thế giới

Kinh tế Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm: Tiềm ẩn rủi ro về lâu dài

Hoàng Linh 06/08/2023 - 07:06

Việc Hãng xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Fitch Ratings vừa hạ bậc tín nhiệm nền kinh tế Mỹ đã gây “sốc” với giới tài chính toàn cầu. Nhiều nhà phân tích cho rằng, diễn biến này trước mắt chưa tác động mạnh nhưng về lâu dài lại tiềm ẩn rủi ro với nền kinh tế Mỹ.

viec-bi-ha-xep-hang-tin-nhi.jpg
Việc bị hạ xếp hạng tín nhiệm phản ánh những thách thức mà nước Mỹ sẽ đối mặt trong thời gian tới.

Fitch Ratings đã hạ tín nhiệm của Mỹ từ mức cao nhất là AAA xuống mức AA+. Động thái này diễn ra chỉ hai tháng sau cảnh báo của tổ chức này về việc xếp hạng tín nhiệm nền kinh tế Mỹ có thể lung lay vì nhiều lý do khác nhau. Như vậy, sau khi Standard & Poor's (S&P) Global hạ xếp hạng kinh tế Mỹ hồi năm 2011, hiện Moody's là tổ chức duy nhất trong số ba tên tuổi uy tín nhất về xếp hạng tín dụng thế giới còn duy trì liền mạch mức AAA (mức cao nhất trong xếp hạng các nền kinh tế) đối với nền kinh tế số một thế giới.

Theo đánh giá của Fitch Ratings, việc hạ xếp hạng lần này phản ánh sự suy thoái tài chính dự kiến và gánh nặng nợ công của Chính phủ ngày càng tăng, trong đó đáng ngại nhất là “sự suy giảm liên tục trong các tiêu chuẩn quản trị suốt 20 năm qua”. Tổ chức này cũng dự báo, tình hình tài khóa của Mỹ sẽ yếu đi trong ba năm tới, trong bối cảnh nước này liên tục phải đối mặt với tình trạng nợ công gia tăng.

Trong khi đó sự thiếu hiệu quả đối với việc giải quyết bài toán trần nợ công đã và sẽ tiếp tục xói mòn niềm tin của thị trường. Đó là chưa kể tới hệ thống tài chính xứ Cờ hoa vẫn tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mới đây, Kansas Heartland Tri-State đã trở thành ngân hàng tiếp theo của Mỹ sụp đổ, sau khi được cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang của Mỹ (FDIC) tiếp quản.

Phản ứng trước quyết định mới của Fitch Ratings, chính quyền Mỹ nhanh chóng bày tỏ bất bình. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen lên tiếng phản đối rằng, quan điểm đánh giá của Fitch Ratings là “tùy tiện và dựa trên các số liệu đã cũ”. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng phản đối quyết định này, nhưng cho rằng chính “sự cực đoan của các quan chức đảng Cộng hòa” đã đe dọa kinh tế. Phía đảng Cộng hòa cũng phẫn nộ về quyết định của Fitch Ratings, nhưng chỉ trích phe Dân chủ chi tiêu phóng tay gây ra các vấn đề lạm phát.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, khó lòng bác bỏ quyết định của Fitch Ratings trong việc hạ “điểm” kinh tế Mỹ lần này, nhất là khi nhìn vào tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ thời gian qua. Con số này vào năm 2000 là 40%, và đã tăng lên 85% trong năm 2010, trước khi ở mức 126% hiện nay. Trong khi đó, chính phủ Mỹ chưa có kế hoạch quy mô quốc gia để giảm nợ và gần đây lại tăng tốc chi tiêu. Tuy nhiên, các quan điểm chung nhận định, việc hạ bậc tín nhiệm trước mắt không ảnh hưởng lớn đến đà phục hồi của Mỹ.

Hiểu theo cách khác, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt và các lo ngại về suy thoái sẽ dần mất đi. Tín nhiệm tuy tụt khỏi mức đỉnh, nhưng vẫn đang ở mức rất mạnh và điều này sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế trên thực tế của Mỹ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trước mắt sẽ chưa phải cân nhắc đổ dòng tiền vào tài sản của các quốc gia khác, nhất là khi nền kinh tế Mỹ đang đứng trước cơ hội “hạ cánh mềm”. Lãi suất cao thực tế cũng chưa gây ra đổ vỡ và đình trệ trong các hoạt động kinh tế, trong khi những con số mới công bố cho thấy, thị trường việc làm xứ Cờ hoa vẫn tốt.

Thế nhưng, sự lạc quan trước mắt không đồng nghĩa về lâu dài không tiềm ẩn rủi ro. Bài học đầu tiên đến từ động thái của S&P Global Ratings năm 2011 đã tác động lớn đến thị trường, dẫn đến sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán và tăng lợi suất trái phiếu sau đó. Thứ đến, việc bị giảm xếp hạng bởi Fitch Ratings thực tế làm nổ ra cuộc tranh cãi chính trị có khả năng kéo dài đến cuộc bầu cử tháng 11-2024.

Dù chưa nhiều ý kiến đánh giá trái phiếu kho bạc Mỹ đang đánh mất vị thế là “nơi trú ẩn” an toàn nhất và là nguồn tài sản thế chấp đáng tin cậy nhất, nhưng việc bị hạ xếp hạng cho thấy, triển vọng tài chính của Mỹ đang xấu đi. Tình hình sẽ càng tồi tệ một khi các nhà đầu tư dành sự chú ý nhiều hơn đến gánh nặng nợ công cao ngất ngưởng, bắt đầu coi đây là mối lo ngại trong trung hạn.

Như thế, nếu chính phủ không nhanh chóng có biện pháp ứng phó, tâm lý của giới đầu tư trong dài hạn có thể bị lung lay, làm gia tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng hỗn loạn trên thị trường, nền kinh tế và cuộc bầu cử tổng thống năm tới. Kịch bản này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nữa nếu Moody's nối gót Fitch trong tương lai khi đưa ra đánh giá tín nhiệm nền kinh tế Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm: Tiềm ẩn rủi ro về lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.