(HNM) - Ngày 22-12 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ công bố, nền kinh tế nước này tăng trưởng 3,2% trong quý III-2022. Đây là lần đầu tiên trong năm nay nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng dương trở lại sau hai quý đầu tiên tăng trưởng âm, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ và bất chấp những lo ngại dai dẳng rằng kinh tế nước này có nguy cơ suy thoái.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, mức tăng trưởng 3,2% đạt được chủ yếu nhờ chi tiêu dùng và đầu tư tăng hơn hẳn so với dự báo được đưa ra trước đó. Với mức tăng trưởng như vậy, giới chức Mỹ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong cả năm 2022 sẽ ở mức khoảng 2,9%, cao hơn so với dự báo được đưa ra hồi tháng 10-2022 là 2,6%. Chi tiêu của Chính phủ cũng tăng, chủ yếu do chi lương cho lực lượng công chức, viên chức và chi cho quốc phòng.
Giới chuyên gia nhận định rằng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng dương và các hộ gia đình tiếp tục chi tiêu là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất tới 7 lần trong năm nay nhằm kiềm chế mức lạm phát đã ở mức cao kỷ lục sau nhiều thập kỷ. Mức tăng trưởng mạnh hơn dự kiến cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế khi phải đối phó với những “cơn gió ngược” gây ra bởi quá trình tăng lãi suất mạnh mẽ của FED. “Mặc dù lãi suất tăng nhanh nhưng nền kinh tế đang tăng trưởng và quan trọng là các hộ gia đình vẫn đang chi tiêu”, Rubeela Farooqi, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại High Frequency Economics cho biết.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng đã được cải thiện trong tháng 12-2022, đạt mức cao nhất kể từ tháng 4-2022. Bộ Lao động Mỹ hôm 22-12 vừa qua cho biết, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng ít hơn dự kiến vào tuần trước. Từ đầu năm đến nay, các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 392.000 việc làm mỗi tháng và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,7%, gần mức thấp nhất trong nửa thế kỷ. Thị trường việc làm ổn định trong suốt thời gian qua, gây áp lực lên tiền lương và giá cả. Người sử dụng lao động nhìn chung không muốn sa thải nhân viên sau khi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động trong đại dịch Covid-19. Rõ ràng, thị trường lao động mạnh lên đang hỗ trợ nền kinh tế khi tạo ra mức tăng lương vững chắc, góp phần thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, sự thúc đẩy lớn nhất đến từ thâm hụt thương mại được thu hẹp, với việc các nhà bán lẻ Mỹ nhập khẩu ít mặt hàng hơn và xuất khẩu nhiều hàng hóa cũng như dịch vụ hơn, chẳng hạn như du lịch. Đó là một sự đảo ngược hoàn toàn so với đầu năm, khi khoảng cách giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu ở mức cao nhất được ghi nhận.
Lạm phát, vốn không phải là vấn đề nghiêm trọng trong bốn thập kỷ qua ở Mỹ, đã quay trở lại vào mùa xuân năm 2021. Nó bắt nguồn từ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ bất ngờ sau cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 năm 2020, được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích lớn của chính phủ. Trong bối cảnh đó, FED đã tăng lãi suất trong suốt cả năm để “hạ nhiệt” nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ cũng như giảm lạm phát.
Kinh tế Mỹ hiện đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục do người dân vẫn mạnh tay chi tiêu dùng, kể cả phải "tiêu lẹm" vào khoản tiền tiết kiệm của họ, bất chấp những tác động của việc FED tăng lãi suất đã lan rộng trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, chính vì người tiêu dùng đã sử dụng đến tiền tiết kiệm rồi cho nên sắp tới mức tăng trưởng trong năm 2023 của Mỹ sẽ thấp đi. Nhiều khả năng FED sẽ vẫn tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao để tập trung kiềm chế lạm phát cho nước Mỹ. Do đó, các nhà kinh tế dự đoán rằng nền kinh tế số một thế giới sẽ trải qua một cuộc suy thoái nhẹ, có thể bắt đầu vào mùa xuân năm 2023.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.