Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế châu Âu: Phục hồi nhưng còn nhiều thách thức

Hoàng Linh| 11/07/2021 07:19

(HNM) - Sau thời gian dài suy thoái, kinh tế châu Âu đứng trước ngưỡng tăng trưởng vượt bậc nhờ tình hình dịch Covid-19 được cải thiện rõ rệt trong quý II-2021. Việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 được xem là đòn bẩy phục hồi nền kinh tế, nhưng vẫn còn nhiều thách thức phía trước cần phải tập trung ứng phó.

Việc khẩn trương triển khai tiêm phòng Covid-19 đã cho phép châu Âu mở cửa trở lại, qua đó giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến.

Ủy ban châu Âu (EC) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Lục địa già sẽ có bước nhảy vọt khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Cụ thể, nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng euro (Eurozone) được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay và 4,5% trong năm 2022, cao hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 5 là 4,3% và 4,4%.

Nền tảng để kinh tế châu Âu phục hồi nhanh hơn mong đợi là chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cùng các biện pháp chống dịch hiệu quả đã khiến số ca nhiễm mới và nhập viện giảm mạnh. Từ ngày 1-7, tất cả các quốc gia thành viên EU cũng chính thức chấp nhận du khách từ các nước có chứng chỉ Covid-19 kỹ thuật số EU, qua đó tạo điều kiện đi lại thuận tiện hơn, cho phép tái khởi động nền kinh tế, đặc biệt là ngành Du lịch.

Ngay sau "phát pháo hiệu" trên, từ Tây Ban Nha ở Nam Âu cho tới Italia ở Địa Trung Hải, Latvia ở Bắc Âu... đều hồ hởi đón khách du lịch và xúc tiến các hoạt động thương mại. Thụy Sĩ, vốn không phải thành viên EU, cũng nới lỏng việc đi lại với các nước châu Âu trong khu vực đi lại tự do Schengen... Từ bên kia Đại Tây Dương, các hãng hàng không American Airlines, Delta Air Lines và United Airlines… đều đã nhanh chóng bổ sung các chuyến bay mới tới châu Âu. Hãng Hàng không giá rẻ Ryanair của Ireland ghi nhận lượng khách đặt vé máy bay tới các điểm du lịch tại các nước: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italia đang tăng lên mỗi ngày. Cùng với du lịch và tiêu dùng, lĩnh vực đầu tư tư nhân cũng được dự báo là những động lực tăng trưởng kinh tế và phục hồi việc làm.
Triển vọng tương lai của châu Âu rất khả quan, khi tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo sẽ trở lại mức trước khi xảy ra khủng hoảng, vào quý IV-2021 ở cả EU và Eurozone. Đối với Eurozone, điều này diễn ra sớm hơn một quý so với dự kiến trong dự báo hồi đầu năm.

Tuy nhiên, cùng với cơ hội vẫn luôn là những thách thức mà EU sẽ phải đối mặt. Con đường phục hồi của châu Âu còn tiềm ẩn những nguy cơ, trong đó có quan điểm chia rẽ về chiến lược kinh tế hậu đại dịch giữa các nhà hoạch định chính sách. Các chuyên gia của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng, cần duy trì tính linh hoạt tiền tệ đã áp dụng trong suốt thời kỳ khủng hoảng do đại dịch Covid-19, đồng thời giữ lãi suất thấp cho đến khi lạm phát được đẩy lùi. Ngoài ra, cũng có quan điểm đưa ra là EU cần phải giảm cả hỗ trợ về tiền tệ và tài khóa ngay sau cuộc khủng hoảng này. Theo đó, chính sách thời kỳ đại dịch của ECB phải kết thúc ngay khi tình trạng dịch bệnh được kiểm soát. Thậm chí, đến thời điểm hiện tại, các nước thành viên EU còn chưa xác định được xem năm 2022 có còn là “giai đoạn khủng hoảng” đối với châu Âu nữa hay không. Đó là chưa kể, "bóng ma" biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 vẫn luôn lơ lửng, đe dọa phá vỡ những thành quả của công tác tiêm chủng phòng Covid-19 bất cứ lúc nào. 

Giới quan sát nhận định, khi châu Âu đang bước vào đà phục hồi thì bất kể những khác biệt nào cũng cần được nhanh chóng hóa giải, từ đó tập trung cho nỗ lực thúc đẩy EU tăng trưởng bền vững. Lục địa già cũng cần tránh tâm lý chủ quan, luôn sẵn sàng ứng phó với những nguy cơ mới về dịch bệnh. Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo rằng, tới đây sẽ là giai đoạn "đi qua lớp băng mỏng" trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của châu Âu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế châu Âu: Phục hồi nhưng còn nhiều thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.