Kinh tế

Canada tăng nhập khẩu gạo Việt Nam

Lam Giang 01/03/2024 - 17:53

Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gạo lên tới 56,4% vào thị trường Canada, và là nước có tốc độ tăng trưởng kim ngạch đứng top 3, góp phần đưa Việt Nam mở rộng thị phần lên gần 2,9% tại thị trường tiềm năng này.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, gạo xuất khẩu tới Canada gồm gạo trắng, gạo lứt, gạo tấm. Trong đó, giá gạo trắng ở mức từ 750 CAD đến 1.442 CAD/tấn, gạo tấm là 1.365 CAD đến 2.884 CAD/tấn.

Gạo Việt Nam thời gian gần đây được các nhà nhập khẩu đánh giá cao về chất lượng, tuy nhiên, một số nhà nhập khẩu chưa hài lòng về hàm lượng tấm (vẫn còn khoảng 5%) trong khi các quốc gia khác như Thái Lan có chất lượng xay xát tốt hơn, tỷ lệ tấm gần như 0%.

Canada là nước nhập khẩu gạo phục vụ khoảng 7 triệu người gốc châu Á. Cộng đồng người Việt tại Canada hiện đã lên đến khoảng 300.000 người, là cộng đồng người Á đông đông thứ 4 tại Canada. Vì vậy, Canada có nhu cầu khá ổn định đối với mặt hàng gạo. Mặt khác, thị phần của Việt Nam còn rất nhỏ, trong khi các đối tác nhập khẩu Canada bắt đầu nhận thấy chất lượng gạo Việt Nam không thua kém gạo Thái Lan, do đó có nhiều dư địa cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Đặc biệt, Canada có dự án hỗ trợ thiết thực trong lĩnh vực gạo từ năm 2011, đó là thông qua Dự án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh Sóc Trăng để hỗ trợ từ giai đoạn nghiên cứu đến thương mại hóa sản phẩm gạo ST25.

Triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường thời gian tới sẽ vẫn rất tích cực nhờ lợi thế về giá so với các mặt hàng cùng loại của các đối thủ cạnh tranh. Mạng lưới doanh nhân kiều bào đang là những đối tác tích cực hỗ trợ tăng thị phần gạo của Việt Nam tại Canada, đặc biệt là đưa mặt hàng gạo chất lượng cao ST 25 vào thị trường.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thu Quỳnh, khó khăn đáng kể cho xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn là việc không có thương hiệu nên người tiêu dùng không nhận biết được để lựa chọn. Quyết định lựa chọn mua gạo của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào yếu tố giá, chứ không phải sự trung thành với thương hiệu.

Bên cạnh đó, vấn đề khoảng cách địa lý khiến cho xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp bất lợi lớn so với các đối thủ cạnh tranh. Trong bối cảnh một số nước có các hình thức trợ giá xuất khẩu, trợ giá vận tải hoặc hỗ trợ tỷ giá, các sản phẩm gạo của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do chi phí/thời gian logistics nội địa quá cao, làm ảnh hưởng đến chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Canada tăng nhập khẩu gạo Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.