Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Anh lao đao thời Brexit

Phương Quỳnh| 16/10/2016 07:11

(HNM) - Đồng bảng Anh vừa trải qua một tuần đầy sóng gió khi đối mặt những dự báo không mấy tích cực về bức tranh kinh tế xứ sở Sương mù sau quyết định (trưng cầu dân ý) rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Đồng bảng Anh được dự báo sẽ tiếp tục "dò đáy" trong thời gian tới.



Hiện tại, tỷ giá đồng bảng so với USD đã ở mức thấp nhất trong vòng 31 năm qua và ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm so với đồng euro. Tuy nhiên, nếu dựa theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, sự suy giảm của đồng bảng Anh vẫn chưa chạm đáy. Trong dự đoán ngắn hạn của Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs, đồng nội tệ của nước Anh sẽ xuống mức 1,20 USD/bảng, trong khi Rabobank cho rằng đồng bảng sẽ còn hạ tiếp xuống 1,18 USD/bảng vào giữa năm 2017. Ngân hàng HSBC thậm chí đưa ra nhận định bi quan hơn về triển vọng của đồng tiền này trong năm 2017 khi dự đoán tỷ giá có thể chỉ còn 1,10 USD/bảng và đồng bảng gần như ngang với đồng euro.

Kể từ sau sự kiện đa số cử tri Anh nói "có" trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit đến nay, các nhà đầu tư ngày càng quan ngại hơn trước viễn cảnh Anh sẽ mất đi nhiều ưu đãi thương mại của EU. Điều này sẽ khiến Anh "bốc hơi" khoảng 66 tỷ bảng mỗi năm khi rời khỏi thị trường chung và chuyển sang tuân theo những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). GDP của Anh cũng có nguy cơ giảm từ 5,4 đến 9,5%. Dự báo, tăng trưởng kinh tế Anh năm 2017 sẽ chỉ ở con số 1%, bằng một nửa tỷ lệ tăng trưởng trung bình trong các năm kể từ sau thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Thêm vào đó, kinh tế Anh trong năm 2017 sẽ phải đối mặt vấn đề lạm phát gia tăng. Kết quả một cuộc thăm dò do Hiệp hội Thương mại Anh (BCC) thực hiện đã ghi nhận sự suy giảm chưa từng thấy trong nhiều năm qua trong hoạt động của các công ty dịch vụ, vốn có vai trò hình thành "xương sống" cho khu vực tư nhân. Đây là dấu hiệu rất đáng lo ngại bởi dịch vụ là ngành có tác động lớn đến kinh tế Anh. Cuộc thăm dò cũng cho thấy, các tiêu chuẩn đánh giá chủ chốt về đầu tư thương mại và niềm tin doanh thu trong quý III đã giảm xuống mức thấp nhất 4 năm qua.

Bên cạnh triển vọng kinh tế u ám, đồng bảng Anh suốt tuần qua chịu nhiều sức ép sau khi Thủ tướng Theresa May ám chỉ sẽ chọn giải pháp "Brexit cứng", tức là nước Anh sẽ không xây dựng một tư cách thành viên đặc biệt trong khối thị trường chung EU và không có các ưu đãi thương mại. Hậu quả của quyết tâm "dứt tình" với ngôi nhà chung có thể sẽ làm đồng bảng bị "nhiễm độc" nặng vì phản ứng của các nhà đầu tư. Kit Juckes, chuyên gia về tiền tệ của Societe Generale bày tỏ lo ngại rằng, tình trạng yếu kém của đồng bảng có thể sẽ lan sang các tài sản khác như trái phiếu chính phủ và cổ phiếu. Ngoài ra, "Brexit cứng" kèm theo các biện pháp siết chặt nhập cư sẽ khiến ngành nông nghiệp nước Anh đứng trước nguy cơ mất nguồn cung lao động. Theo thống kê, Ngành Nông nghiệp Vương quốc Anh sử dụng khoảng 67.000 lao động thời vụ mỗi năm và hơn 80% lực lượng này đến từ các nước EU. Các lĩnh vực khác cũng phụ thuộc vào lao động Châu Âu là ngành chế tạo và bán buôn, bán lẻ.

Dự kiến, Anh sẽ chính thức khởi động tiến trình rút khỏi ngôi nhà chung EU vào cuối tháng 3-2017. Các cuộc đàm phán có thể kéo dài ít nhất 2 năm. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực do quá trình Brexit gây ra, ngày 23-11 tới, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammon sẽ công bố những ưu tiên trong kế hoạch chi ngân sách và các biện pháp tài chính đầu tiên để bảo vệ doanh nghiệp nội địa trong suốt quá trình London đàm phán rút khỏi EU. Song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Anh khó có thể tránh được những thách thức do sự thay đổi quá lớn trong vòng 5 năm tới. Ngay cả Thủ tướng T.May cũng thừa nhận rằng: “Những thời điểm khó khăn còn ở phía trước”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Anh lao đao thời Brexit

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.