Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Anh: ''Ảm đạm'' thị trường lao động

Thùy Dương| 24/12/2022 06:53

(HNM) - Hơn nửa triệu người đã rời khỏi lực lượng lao động Anh kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đây là cảnh báo trong báo cáo có tên “Tất cả người lao động đã đi đâu?”, do Ủy ban các vấn đề kinh tế của Thượng viện Anh vừa công bố. Báo cáo cho thấy tình hình lao động của Anh đang rất “ảm đạm” khiến nền kinh tế có nguy cơ tăng trưởng yếu hơn và lạm phát cao hơn.

Xây dựng là một trong những lĩnh vực mà các công ty tuyển dụng của Anh gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân.

Báo cáo nhận định, tình trạng thiếu hoạt động kinh tế gia tăng mạnh khi những người trưởng thành trong độ tuổi lao động mất việc cũng như không tìm kiếm việc làm từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Diễn biến này đặt ra “những thách thức nghiêm trọng” cho nền kinh tế. Trong bối cảnh thiếu hụt nhân viên nghiêm trọng trên cả nước, việc nghỉ hưu sớm ở nhóm 50-64 tuổi là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự gia tăng số người không tham gia lao động. Những người vốn đã không hoạt động kinh tế từ đại dịch Covid-19 đang trở nên ốm yếu hơn, nghĩa là họ ít có khả năng quay trở lại làm việc hơn.

Ngoài ra, tỷ lệ ốm đau gia tăng ở những người trưởng thành trong độ tuổi lao động, cũng như những thay đổi trong cơ cấu người di cư sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU) và dân số già hóa cũng là những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng “biến mất” của lực lượng lao động.

Theo thống kê, kể từ khi Anh bỏ phiếu rời EU vào năm 2016, tốc độ tăng dân số đã chậm lại. Mặc dù số liệu thống kê chính thức về di cư chưa đầy đủ kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, nhưng dữ liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng dân số những công dân thuộc EU sinh ra ở Anh đã giảm kể từ năm 2017. Có 4 trong số 10 công ty được Ngân hàng Trung ương Anh khảo sát gần đây cho biết thiếu nguồn cung sẵn có từ lực lượng lao động thuộc EU là một lý do cho những thách thức tuyển dụng của họ.

Tình trạng không thể tìm được lực lượng lao động đã lan rộng khắp nền kinh tế Anh, trong hầu hết các ngành công nghiệp và giải pháp được nhiều nhà tuyển dụng lựa chọn là trả lương cao hơn. Nhưng việc tăng lương cũng không giúp ích gì nhiều trong việc xoa dịu nỗi sợ hãi đang gia tăng ở Anh. Chi phí sinh hoạt tăng nhanh đã gây ra hàng loạt cuộc đình công trong thời gian qua, từ nhân viên điều hành tàu hỏa đến nhân viên bưu điện, công nhân bến tàu và nhân viên y tế… yêu cầu tăng lương sát với tốc độ lạm phát hơn.

Những xu hướng này đang đặt nền kinh tế vào nguy cơ tăng trưởng yếu hơn và lạm phát liên tục tăng cao. Theo báo cáo “Tất cả người lao động đã đi đâu?”, tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng sẽ gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, đồng thời làm giảm nguồn thu thuế từ các dịch vụ công. Nguồn cung lao động giảm cũng có thể gây thêm áp lực lạm phát, khi các nhà tuyển dụng cạnh tranh để tuyển người bằng cách tăng lương. Tăng trưởng tiền lương trung bình ở Anh đã tăng lên khoảng 6% trong những tháng gần đây, mặc dù nó vẫn thấp hơn đáng kể so với lạm phát. Sự gia tăng tình trạng trì trệ kinh tế khiến việc kiểm soát lạm phát trở nên khó khăn hơn. Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về vị trí của Anh là quốc gia duy nhất trong các nước phát triển có số lượng việc làm dự kiến vẫn ở dưới mức trước đại dịch vào đầu năm 2023.

Đại dịch Covid-19 và việc Anh rời EU đã thay đổi thị trường lao động Anh, làm mất đi nguồn lao động thiết yếu. Do đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, để thoát khỏi tình trạng này, người sử dụng lao động sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để lôi kéo mọi người trở lại làm việc như thông qua trả lương cao hơn, điều kiện làm việc linh hoạt và tốt hơn. Chính phủ cũng phải đầu tư nhiều hơn vào đào tạo, hỗ trợ việc làm và cải thiện các dịch vụ công để người lao động có thể được hỗ trợ làm việc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Anh: ''Ảm đạm'' thị trường lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.