Thế giới

Kinh tế Ai Cập: Đối mặt với khủng hoảng

Quỳnh Dương 14/09/2023 - 06:34

Gần 10 tháng kể từ khi nhận được gói vay trị giá 3 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Ai Cập vẫn chưa thoát khỏi “vũng lầy” khó khăn từ hệ lụy của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Nỗi lo bị chìm sâu vào cuộc khủng hoảng ngày càng hiện hữu khi tỷ lệ lạm phát gần 40%, nợ chính phủ tăng lên 92,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

ai-cap.jpg
Giá lương thực tại Ai Cập liên tục tăng cao những tháng gần đây.

Theo số liệu chính thức được Cơ quan thống kê nhà nước của Ai Cập (CAPMAS) công bố, lạm phát trong tháng 8-2023 của nước này đã lên tới 39,7%. Đây là mức cao chưa từng có, trong bối cảnh đất nước đông dân nhất của thế giới Arab đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Riêng giá thực phẩm và đồ uống, nguyên nhân chính gây ra lạm phát, đã tăng giá 71,9% so với cùng kỳ năm 2022.

EGP - đồng nội tệ Ai Cập mất hơn 50% giá trị so với đồng USD kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022. Điều này càng tạo thêm gánh nặng cho hàng triệu người Ai Cập khi chi phí sinh hoạt tăng cao. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 30% người dân quốc gia này phải sống dưới mức nghèo, 30% đang cận kề mức nghèo. Trong khi đó, tổng nợ chính phủ của Ai Cập dự kiến sẽ tăng lên 92,9% của GDP trong năm 2023, mức cao nhất trong số các nước có thu nhập trung bình và thị trường mới nổi. Tổng nợ nước ngoài của Ai Cập cũng sẽ tăng lên 50,2% của GDP trong năm 2023 - mức cao nhất được ghi nhận trong hơn 20 năm.

Phân tích nguyên nhân dẫn tới tình trạng nói trên, nhiều nhà kinh tế cho rằng, những rủi ro tiềm tàng đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước, khi chính sách phát triển công nghiệp và xuất khẩu thất bại tạo ra thâm hụt thương mại dai dẳng. Ngoài ra, việc đồng tiền được định giá quá cao, trong khi các thể chế quản lý còn nhiều bất ổn khiến việc đầu tư và cạnh tranh trên thị trường trở nên ảm đạm. Các gói trợ cấp kéo dài, dù hiện tại đã giảm nhiều, song vẫn khiến ngân sách nước này cạn kiệt.

Đến năm 2020, như mọi quốc gia khác trên thế giới, Ai Cập cũng chịu tác động từ đại dịch Covid-19 và hệ quả từ cuộc xung đột tại Ukraine như một cú giáng mạnh tiếp theo vào nền kinh tế vốn đang trong tình trạng vô cùng mong manh. Trong bối cảnh khó khăn lan rộng toàn cầu, khoảng 25 tỷ USD tiền đầu tư nước ngoài đã rút khỏi thị trường Ai Cập gây ra sự thiếu hụt đáng kể về ngoại tệ mạnh, chủ yếu là USD. Điều này cản trở hoạt động nhập khẩu và gây ra tình trạng tồn đọng hàng hóa tại các cảng, tạo ra tác động dây chuyền đối với ngành công nghiệp địa phương. Cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá lúa mì leo thang cũng tác động tiêu cực đến Ai Cập, một trong những nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, đặc biệt là sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, khiến nguồn cung mặt hàng này trên thị trường thế giới bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Để nhận được khoản vay 3 tỷ USD trong vòng 46 tháng từ IMF, Ai Cập phải đáp ứng nhiều điều kiện bao gồm: Đưa ra gói chính sách toàn diện nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục vùng đệm để tránh các cú sốc mới và mở đường cho tăng trưởng toàn diện khu vực kinh tế tư nhân; thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm giảm dần lạm phát; củng cố tài chính để bảo đảm quỹ đạo giảm nợ công, đồng thời tăng cường mạng lưới an toàn xã hội bảo vệ những người dễ bị tổn thương; tăng cường quản trị và minh bạch; đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước…

Triển khai các cam kết với IMF, Ai Cập đặt mục tiêu đạt nguồn thu ngoại tệ 191 tỷ USD vào năm 2026 bao gồm 88 tỷ USD từ xuất khẩu hàng hóa, 20 tỷ USD từ du lịch, 45 tỷ USD từ kiều hối… Chính phủ Ai Cập đến nay đã ký các hợp đồng có tổng trị giá 1,9 tỷ USD với khu vực tư nhân để bán các công ty thuộc sở hữu nhà nước theo chương trình Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) mà nước này thông qua hồi đầu năm nay. Tính đến cuối tháng 7-2023, Ai Cập nhận được gần 2 tỷ USD cho số cổ phần đã bán tại một số công ty nhà nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều tập đoàn tài chính quốc tế, quốc gia của những Kim tự tháp khó có thể đạt được các mục tiêu theo lộ trình đã cam kết với IMF. Định chế tài chính lớn nhất thế giới này giải ngân khoản đầu tiên trị giá 347 triệu USD trong gói vay 3 tỷ USD cho Ai Cập vào tháng 12 năm ngoái. Khoản giải ngân tiếp theo sẽ được quyết định sau khi IMF thực hiện đánh giá trong ít ngày tới. Nếu không đạt được các tiêu chí đề ra, Ai Cập sẽ không tiếp tục được nhận tiền vay, đồng nghĩa nước này sẽ mất đi chiếc “phao cứu sinh” cho nền kinh tế trong bối cảnh đang gặp nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Ai Cập: Đối mặt với khủng hoảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.