Thế giới

Philippines đối mặt nguy cơ khủng hoảng gạo: Nhiều hệ lụy cho nền kinh tế

Quỳnh Dương 10/09/2023 - 22:14

Dù đã triển khai nhiều biện pháp bình ổn thị trường sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo từ cuối tháng 7-2023, song tình trạng thiếu hụt nguồn cung liên tục đẩy giá mặt hàng này tại Philippines tăng với tốc độ chóng mặt.

rice_1_resized-768x576.jpg

Trong bối cảnh Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen vẫn bế tắc, lệnh cấm xuất khẩu gạo của New Delhi có thể kéo dài tới năm sau, nhiều người lo ngại Philippines sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng gạo kéo theo nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Dữ liệu thống kê mới nhất cho thấy, lạm phát của Philippines vốn đã chạm đáy 16 tháng trong tháng 7 vừa qua, bất ngờ quay đầu tăng trở lại trong tháng 8 với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5,3%, cao hơn mức mục tiêu 2-4% của Chính phủ đề ra. Nguyên nhân phần lớn là do giá gạo tăng vọt lên 8,7% trong tháng 8 từ mức 4,2% của tháng trước. Đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.

Do gạo là loại lương thực chính của gần 114 triệu người dân Philippines và chiếm khoảng 9% trong rổ hàng hóa và dịch vụ dùng để theo dõi CPI, bởi vậy, biến động giá cả của mặt hàng này sẽ có tác động rất lớn tới tỷ lệ lạm phát chung.

Để kiểm soát giá gạo, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vừa ký ban hành sắc lệnh về việc áp trần giá gạo bán lẻ ở mức 41 peso/kg (tương đương khoảng 0,738 USD/kg hay 738 USD/tấn) đối với gạo xay xát thường và 45 peso/kg (tương đương 0,81 USD/kg hay 810 USD/tấn) đối với gạo xay xát kỹ. Đồng thời, ông Ferdinand Marcos Jr. cũng yêu cầu lực lượng cảnh sát, hải quan kiểm tra các kho gạo để ngăn chặn tình trạng đầu cơ và nhập lậu gạo.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Thương mại Philippines, trong thời gian qua, hai loại gạo trên được bán với giá cao hơn lần lượt là 34% và 24% so với mức giá trần vừa được áp dụng. Giới chức Philippines hiện lo ngại việc giá gạo liên tục tăng cao sẽ khiến lạm phát tại nước này tăng tốc mạnh trở lại trong những tháng cuối năm.

Các nhà phân tích thị trường nhận định, việc giá gạo tại Philippines tăng cao một phần là do ảnh hưởng từ tình hình chung trên thị trường thế giới. Sau khi Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đột ngột cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ kể từ ngày 20-7-2023, giá loại ngũ cốc này trên các sàn giao dịch quốc tế đang ở mức cao kỷ lục trong hơn 10 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Thương mại Philippines cho biết, tình trạng đầu cơ, thao túng thị trường của các doanh nghiệp sản xuất và phân phối gạo cũng là một nguyên nhân đẩy giá bán lẻ gạo tại nước này tăng vọt. Bởi vậy, việc Chính phủ áp giá trần gạo bán lẻ là biện pháp nhằm kiểm soát các hành vi gây bất ổn thị trường.

Tuy nhiên, quyết định này vấp phải không ít sự phản đối trong nước. Nhiều nhà nhập khẩu ở quốc gia này đã xin hủy hợp đồng mua gạo từ nước ngoài vì giá nhập khẩu cao hơn giá bán trong nước, đồng thời cho rằng, chính sách này sẽ khiến các doanh nghiệp thua lỗ do đã mua tích trữ với giá cao trước đó.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Philippines Cielo Magno cho biết, bà sẽ từ chức sau khi đưa ra bài viết nói về quy luật cung cầu. Theo bà, về lý thuyết kinh tế, việc đặt ra giới hạn giá bắt buộc là hành động đi ngược lại quy luật thị trường, làm tăng cầu và giảm cung, dẫn đến tình trạng thiếu hụt.

Việc các doanh nghiệp ngừng nhập khẩu gạo làm dấy lên những lo ngại về việc nguồn cung cho thị trường nội địa Philippines sẽ tiếp tục bị thu hẹp trong thời gian tới. Không ít người cho rằng, “cú sốc” giá gạo năm 2018 sẽ quay trở lại, khiến lạm phát tại Philippines tăng vọt, buộc nước này phải tăng lãi suất để kìm hãm đà tăng vật giá.

Ngoài ra, sau quyết định cấm xuất khẩu một số loại gạo phổ biến, Ấn Độ vừa quyết định áp thuế 20% đối với việc xuất khẩu gạo đồ cho đến ngày 16-10-2023. Hiện thị trường gạo thế giới đang xuất hiện đồn đoán về việc Myanmar có thể tạm ngưng xuất khẩu gạo trong vòng 45 ngày.

Nguyên nhân khiến Myanmar xem xét đưa ra động thái trên là do giá gạo trên thị trường nội địa đang tăng nhanh trong thời gian gần đây, khiến giới chức nước này lo ngại về việc bảo đảm an ninh lương thực. Myanmar hiện là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới, với khối lượng xuất khẩu đạt 2 triệu tấn/năm. Điều này có thể khiến nguồn cung gạo trên toàn cầu bị siết chặt hơn, đẩy giá gạo tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu Chính phủ Philippines không nhanh chóng triển khai những biện pháp phù hợp, nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng gạo sẽ ngày một cận kề, kéo theo những hệ lụy cho nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Philippines đối mặt nguy cơ khủng hoảng gạo: Nhiều hệ lụy cho nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.