Phòng cho con đỡ bị nhiễm lạnh ban đêm, các bà mẹ đã áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Các mẹ đọc và tham khảo nhé:
Để tránh con ra nhiều mồ hôi, mẹ không lau kịp, dễ bị cảm lạnh dẫn tới viêm phổi, Nga (huyện Thanh Trì, Hà Nội)lót khăn xô vào lưng của con, cứ khoảng 1 tiếng đồng hồ, rút khăn ra một lần. Khăn xô giúp thấm mồ hôi tốt, lại mềm mại, không gây cảm giác cộm hay khó chịu cho bé.
“Nhà mình không có điều hòa. Cho con nằm ở tầng trệt thì khá mát, chỉ cần quạt số nhỏ là ổn. Nhưng cu Bo nhà mình nhiều mồ hôi lắm nên cứ phải chú ý lau mồ hôi cho con thôi” – Nga kể. Ngoài ra, Nga còn lót khăn xô dưới gối cho con vì bé nhà cô hay toát mồ hôi đầu. Nga cũng chú ý mặc quần áo rộng, thoáng và chất 100% cotton để con không bị bí vì đổ mồ hôi.
Khác với Nga, Tâm (Kim Liên, Hà Nội) cho con nằm điều hòa ngay từ khi bé mới chào đời. Bây giờ, bé nhà Tâm được 15 tháng và vẫn “nghiện” điều hòa. “Cho con nằm điều hòa thì phải giữ ấm để tránh bé mắc viêm phổi. Cũng không được để điều hòa lệch quá lớn với nhiệt độ ngoài trời” – Tâm chia sẻ kinh nghiệm.
Hồi bé nhà Tâm mới sinh, hai mẹ con Tâm nằm điều hòa nhưng cô luôn phải mặc quần áo dài, đội mũ, đi bao tay, bao chân cho con. Điều hòa cũng được Tâm chỉnh ở mức vừa phải, đủ mát nhưng không được lạnh. Bây giờ, mỗi lần cho con nằm điều hòa, Tâm chẳng lo con nóng vì thoải mái đặt bé trong túi ngủ. Để an toàn, Tâm kê thêm tấm chăn mỏng chặn đầu giường, phòng khi bé “trồi” lên thì không và đầu vào giường.
Còn với Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) dù có điều hòa thì đêm ngủ, bé gái 2 tuổi nhà Hương vẫn toát mồ hôi. “Thành ra mẹ cứ phải ‘dập dờn’ canh lau mồ hôi cho con, sợ con mình bị lạnh, ho rồi viêm phổi lắm” – Hương cho biết.
Hôm nào trời mát, Hương tắt điều hòa, dùng quạt điện nhưng Hương vẫn chưa yên tâm. Bật số nhỏ, Hương sợ con ra nhiều mồ hôi rồi viêm phổi, bật số to thì lại sợ con lạnh rồi ho. Kết quả là cả đêm Hương “vật vã” với con và quạt: bật số nhỏ, cho quạt quay, hẹn giờ. Khi quạt tắt tự động, mẹ sờ xem lưng con đổ mồ hôi không, lau cho con rồi tiếp “vòng luẩn quẩn”: bật quạt, hẹn giờ...
Trường hợp của Yến (Hải Phòng) hơi khác một chút. Bé trai nhà Yến đã 3 tuổi, ít đổ mồ hôi khi ngủ nhưng lại cực kỳ “kết” kem, đá lạnh, nước lạnh... Mỗi khi mẹ không để ý là cu cậu tự mở tủ lạnh, “ăn vụng”. “Ăn nhiều đồ lạnh gây viêm họng kéo dài, rồi viêm đường hô hấp, chẳng mấy mà viêm phổi. Vì thế, mình phải hạn chế cho con ăn đồ lạnh. Cháu nhà mình còn hay bị ho nữa” – Yến phân trần.
Bình thường, bé nhà Yến “đi lớp”. Còn những ngày ở nhà, Yến toàn phải canh trừng để quát con không được ăn đồ lạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.