Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh doanh hàng hóa ''ăn theo'' phim ảnh, ca nhạc: Học gì từ thế giới?

Song Nhật| 12/12/2021 05:13

(HNMCT) - Với số lượng người xem kỷ lục, “Squid Game” ("Trò chơi con mực") kéo theo cơn sốt kinh doanh hàng hóa ăn theo bộ phim này. Hiện tượng này một lần nữa cho thấy chiến lược bài bản của ngành giải trí Hàn Quốc cũng như các nền giải trí lớn khác trên thế giới trong việc thúc đẩy các lĩnh vực kinh doanh ăn theo phim ảnh, ca nhạc... rất đáng để học tập.

Dòng phim về chàng điệp viên 007 được đánh giá là “ông vua của nghệ thuật lồng ghép sản phẩm”.

Hiệu quả kinh tế bất ngờ

 “Squid Game” đang là bộ phim được xem nhiều nhất trên Netflix cho đến nay. Sự thành công quá lớn của bộ phim đã khiến mọi thứ liên quan đến nó đều trở thành hiện tượng. Những món đồ trong phim, kể cả những thứ tưởng chừng rất đơn giản đều “gây sốt”. Chẳng hạn như món kẹo truyền thống dalgona, thường xuất hiện ở cổng trường học của Hàn Quốc những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, đã “sống lại” nhờ được tái hiện trong bộ phim này.

Theo Reuters, bộ phim đã góp phần phục hồi nghề làm kẹo truyền thống của Hàn Quốc. Anh An Yong-hui, 37 tuổi, đã làm dalgona trong 8 năm qua tại một khu đại học ở thủ đô Seoul, tuy nhiên nghề này không giúp anh có thu nhập tốt bởi giới trẻ chẳng mấy quan tâm đến món ăn truyền thống này nữa. Vậy nhưng, kể từ khi “Squid Game” phát sóng, An đã không thể về nhà trong đúng một tuần vì quá bận làm kẹo để đáp ứng nhu cầu của những người hâm mộ. Họ xếp hàng dài để thử trải nghiệm trò chơi giống như trong phim. Ngay cả các trang thương mại điện tử như Amazon hay Ebay cũng đăng bán dụng cụ nấu dalgona với giá khoảng 29 USD. Rõ ràng, sức ảnh hưởng của phim là không hề nhỏ, mỗi chiếc kẹo chỉ có giá 2.000 won (khoảng 1,68 USD) nhưng lại tạo nên xu hướng được nhiều người theo dõi.

Cùng với đó, hình ảnh con búp bê khổng lồ xuất hiện ở trò chơi đầu tiên cũng trở nên nổi tiếng và quen thuộc với công chúng nói chung, không chỉ riêng khán giả xem phim. Con búp bê này còn được in lên áo, làm thành búp bê thật... Cơn sốt từ “Squid Game” không chỉ giúp tiếng Hàn hay các trò chơi dân gian của nước này được thế giới quan tâm nhiều hơn, mà ngay cả các bộ trang phục hay các món ăn nhẹ trong phim cũng được ưa chuộng ở nhiều nơi trên thế giới. Theo trang web tìm kiếm và giao thương các sản phẩm thời trang cao cấp Lyst, nhờ bộ phim này, doanh số bán giày Vans - một thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, đã tăng 7.800% do các nhân vật trong phim đều đi loại giày này.

Thành công của những sản phẩm ăn theo “Squid Game” một lần nữa khẳng định khả năng thúc đẩy kinh doanh mạnh mẽ của làn sóng văn hóa Hàn Quốc. Làn sóng Hàn Quốc đã lan tới mọi ngõ ngách của thế giới, nâng cao hình ảnh và khuếch trương kinh tế của quốc gia này. Các ngôi sao Hàn Quốc trở thành những đại sứ, có khả năng định hướng tiêu dùng mạnh mẽ, kéo người hâm mộ cuồng nhiệt vào mua sắm thời trang, thực phẩm, mỹ phẩm Hàn Quốc. Đặc biệt, họ giúp lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ của Hàn Quốc tăng trưởng mạnh mẽ.

Phim “Trò chơi con mực” đã làm “sống lại” và lan tỏa món kẹo truyền thống dalgona của Hàn Quốc ra thế giới.

Chiến lược bài bản

Những năm gần đây, hình thức lồng ghép quảng cáo trong phim điện ảnh, phim truyền hình, sản phẩm âm nhạc... được ngành truyền thông - marketing định danh bằng khái niệm “product placement”. Để đổi lấy quyền “product placement”, các công ty có thể trả cho nhà sản xuất hoặc studio tiền mặt, hàng hóa hoặc dịch vụ. Hình thức này tạo cảm giác tích cực cho người xem đối với thương hiệu được quảng cáo nhờ không đề cập trực tiếp đến sản phẩm. Điều này mang lại lợi ích hai chiều cho các nhà đầu tư và cả các đơn vị nghệ thuật.

Sở hữu ngành công nghiệp điện ảnh mạnh nhất thế giới, không ngạc nhiên khi Hollywood đã tiên phong thực hiện hình thức lồng ghép sản phẩm vào phim ảnh từ hàng chục năm qua. Một trong những đại diện thành công của phương pháp này phải kể đến series về điệp viên 007. Trang Hollywood Branded thậm chí đánh giá “dòng phim 007 là ông vua của nghệ thuật lồng ghép sản phẩm”. Ngay từ bộ phim đầu tiên “Dr No” ra mắt năm 1962, nhiều nhãn bia, hãng hàng không, vũ khí... đã xuất hiện cùng chàng điệp viên điển trai. Kể từ đó đến nay, hình ảnh chàng James Bond đào hoa luôn gắn liền với nhiều thương hiệu xe sang trọng, đồ uống có cồn, thời trang, thể thao, đồng hồ, công nghệ, khách sạn...

Bên cạnh đó là những bộ phim tự tạo cho mình thương hiệu riêng để bán bản quyền thương mại như hình ảnh con búp bê trong phim “Squid Game” kể trên. Đặc biệt, đây cũng là thế mạnh riêng của dòng phim hoạt hình. Những bộ phim hoạt hình không chỉ giúp nhà sản xuất thu về hàng tỷ USD doanh thu phòng vé mà các nhân vật của nó còn trở thành “mỏ vàng” cho ngành công nghiệp giải trí và sản xuất hàng tiêu dùng, hàng lưu niệm...

Đứng đầu thế giới hiện nay về thương mại hóa các nhân vật hoạt hình phải kể đến “người khổng lồ” Walt Disney. Kể từ khi thành lập đến nay, công ty Disney đã sáng tạo ra rất nhiều nhân vật nổi tiếng, thực sự trở thành “mỏ vàng” để họ khai thác trong nhiều năm liền nhờ hình ảnh của chúng được sử dụng trong phim ảnh, truyện tranh, đồ chơi, video game, công viên giải trí... Đơn cử như mảng công viên giải trí và bán vật phẩm lưu niệm đóng góp vào tổng doanh thu tới 22,5 tỷ USD. Lịch sử điện ảnh ghi nhận những nhân vật hoạt hình có thể mang lại một khoản thu khổng lồ trong nhiều năm liền như: Ông bố Homer Simpson mang về cho nhà sản xuất 12,9 tỷ USD từ doanh thu hình ảnh; chú sư tử Simba từ thập niên 1990 cũng mang về 7,85 tỷ USD hay “chằn tinh tốt bụng” Shrek giúp DreamWorks kiếm được 3,92 tỷ USD...

Số tiền mà bộ phim hoạt hình “The Simpsons” kiếm được từ phim ảnh, hình ảnh các nhân vật đã đạt gần 13 tỷ USD.

Bài học nào cho chúng ta?

Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào được lồng ghép quảng cáo trong các sản phẩm giải trí cũng dễ dàng tạo được xu hướng. Khán giả ngày càng khó tính hơn, đòi hỏi việc đưa sản phẩm vào quảng cáo trong các bộ phim, sản phẩm âm nhạc cũng phải hết sức tinh tế, có chiến lược bài bản. Việc đưa các sản phẩm thương mại vào phim, video ca nhạc phải đảm bảo phù hợp hoàn toàn với nội dung câu chuyện, hoàn cảnh xuất thân của nhân vật..., nếu không sẽ phản tác dụng.

Việc đưa quảng cáo sản phẩm vào những bộ phim truyền hình, điện ảnh, video ca nhạc ở Việt Nam hiện nay khá phổ biến. Có thể kể đến một vài ví dụ thành công như Sơn Tùng M-TP với việc đưa một thương hiệu giày thể thao vào MV “Lạc trôi”. Tuy nhiên đến nay, việc quảng cáo sản phẩm thương mại trong phim, video ca nhạc chưa tạo ra nhiều “đột phá”, chưa có những hiện tượng có hiệu quả kinh tế đặc biệt. Thậm chí, trong một số trường hợp, khán giả còn cảm thấy phản cảm. Chẳng hạn, phim “Hướng dương ngược nắng” từng bị nhiều khán giả phàn nàn vì lồng ghép quảng cáo một cách gượng ép. Một số diễn viên còn đọc lời quảng cáo sản phẩm như clip quảng cáo thông thường...

Về vấn đề này, đạo diễn Xuân Phước từng chia sẻ: Quảng cáo trong phim mang lại lợi ích cho cả thương hiệu lẫn nhà sản xuất. Tuy nhiên, để lồng ghép nhãn hàng hợp lý, ghi dấu ấn trong lòng khán giả là bài toán khó. Điều quan trọng là ê kíp sản xuất đưa hình ảnh sản phẩm vào phim một cách khéo léo và có liều lượng hợp lý để khán giả không có cảm giác bị ép xem, nếu không sẽ gây phản ứng ngược lại từ phía khán giả.

Cùng với đó, việc tự tạo ra những sản phẩm thiết kế có khả năng tạo thành xu hướng thu hút sự quan tâm của công chúng gần như là điều chưa thể đối với các đơn vị sản xuất phim, ca nhạc tại Việt Nam. Đây là một khoảng trống lớn cần lấp đầy để khai thác tốt hơn “sức mạnh mềm” văn hóa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh doanh hàng hóa ''ăn theo'' phim ảnh, ca nhạc: Học gì từ thế giới?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.