(HNM) - Các cuộc đàm phán khẩn cấp giữa hai cộng đồng người Bỉ nói tiếng Hà Lan và cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp đang nhanh chóng được xúc tiến theo lời kêu gọi của Vua Albert II sau khi Thủ tướng Yves Leterme đệ đơn từ chức vào cuối tuần trước.
Đây là một nỗ lực của Brussels nhằm tránh rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế của Bỉ khi chỉ 2 tháng nữa nước này sẽ tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Bỉ Y.Leterme vừa đệ đơn xin từ chức. |
Bỉ - nằm giữa Hà Lan, Pháp và Đức - có dân số khoảng 10,5 triệu người. Trong đó, 60% là người nói tiếng Hà Lan thuộc cộng đồng Flemish ở phía Bắc và 40% nói tiếng Pháp thuộc cộng đồng Wallonie ở phía Nam. Hai cộng đồng này đã gần như tự trị từ những năm 1980, chỉ trừ thủ đô Brussels là khu vực song ngữ. Thực ra xu hướng tách biệt đã xuất hiện ngay từ khi vương quốc này ra đời năm 1830. Những năm qua, các đảng phái thuộc hai cộng đồng có thể hợp tác với nhau phần lớn nhờ công sức và tiếng nói của nhà vua.
Trong cuộc tranh cãi lần này, 2 chính đảng đại diện cho cộng đồng nói tiếng Hà Lan yêu cầu tách Brussels và một số quận khỏi vùng lân cận và sau đó gộp vào khu vực bầu cử của họ. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của 3 chính đảng đại diện cho cộng đồng nói tiếng Pháp với lý do cử tri của họ sẽ mất quyền bỏ phiếu cho các chính đảng nói tiếng Pháp tại thủ đô. Kết quả là đảng trung hữu Open VLD Flamish, một chính đảng chủ chốt theo đường lối tự do của cộng đồng người Bỉ nói tiếng Hà Lan đã rút khỏi liên minh cầm quyền, đẩy Chính phủ Bỉ một lần nữa đứng trên bờ vực sụp đổ.
Điều mà người dân ở xứ sở sôcôla lo ngại là, sự chao đảo của Chính phủ sẽ ảnh hưởng tới các kế hoạch chấn hưng, tốc độ phục hồi sẽ bị đẩy lùi, tác động không nhỏ tới kinh tế đất nước vốn đang phải gồng mình sau cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Là thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Bỉ đang rơi vào tầm ngắm của khu vực do những chỉ số kinh tế đáng báo động. Hiện thâm hụt ngân sách của Bỉ được dự kiến tương đương với 4,8% GDP, nâng mức nợ quốc gia vượt quá ngưỡng 100% GDP. Thêm vào đó, Chính phủ Bỉ chưa đưa ra được các kế hoạch ngân sách khả thi cho những năm tới để đạt mục tiêu giảm thâm hụt xuống còn 3% GDP.
Dư luận châu Âu lo ngại một cuộc khủng hoảng chính trị bùng nổ tại Bỉ sẽ không chỉ làm rộng thêm khoảng cách giữa hai cộng đồng nói tiếng Pháp và tiếng Hà Lan tại nước này, mà còn thổi bùng những bất ổn xã hội mới ngay trong lòng châu Âu. Bằng chứng là trong vòng 2 năm gần đây, những đồn đoán về sự phân rã của vương quốc này đã trở thành một đề tài rất "xôm" trong dân chúng. Thêm vào đó, theo thỏa thuận, Chính phủ Bỉ hiện hành đã cam kết đóng vai trò trung gian trong các cuộc thương lượng giữa giới chủ và nghiệp đoàn lao động về vấn đề tiền lương, dự kiến trong mùa hè này. Trong trường hợp chính phủ sụp đổ, các cuộc thương lượng này sẽ bị hoãn vô thời hạn, đe dọa kéo theo những cuộc đình công, lãn công đồng loạt của người lao động. Nếu vậy, các hoạt động sản xuất và dịch vụ của một trong những trung tâm của EU sẽ bị đình trệ, không chỉ dẫn tới bất ổn xã hội của Bỉ mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới toàn bộ châu Âu.
Từ trước tới nay, Bỉ vốn rất tự hào về vai trò "kinh đô của châu Âu" với các cơ quan chính của EU đặt tại thủ đô. Nhưng thật trớ trêu cho Brussels khi EU đang tìm cách đoàn kết 27 thành viên của khối thì Bỉ lại không thể thu xếp ổn thỏa tình trạng chia rẽ giữa các cộng đồng trong vương quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiếng nói của Bỉ trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU sắp tới.
Hiện tại, Vua Bỉ Albert II vẫn chưa chấp thuận quyết định từ chức của Thủ tướng Yves Leterme để chờ kết quả của các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, để chế ngự cơn "sóng ngầm" trong nội bộ nước Bỉ hình thành từ hơn 140 năm qua thật không dễ dàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.