(HNM) - Kết quả xuất khẩu sau 5 tháng đầu năm nay đã không diễn ra như kế hoạch. Vậy, đâu là nguyên nhân và hướng khắc phục ra sao?
Diễn biến "hai giảm, một tăng"
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) cả nước tháng 5 đạt 13,5 tỷ USD, chỉ tăng 1,1% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng qua, KNXK đạt 63,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng thấp hơn mong muốn.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do KNXK của nhóm hàng nông, thủy sản 5 tháng qua đạt 8,14 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ. Trong đó, một số loại hàng có KNXK giảm sâu như thủy sản, cà phê, gạo, cao su. Trong khi đó, kết quả xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chỉ đạt gần 2 tỷ USD, giảm 53% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, việc giá xuất khẩu giảm mạnh là nguyên nhân chính kéo KNXK xăng dầu và dầu thô giảm theo. Tính cụ thể, yếu tố lượng xuất khẩu giảm đã làm KNXK của nhóm hàng này giảm 581 triệu USD, trong khi giá xuất khẩu giảm làm KNXK giảm 1,67 tỷ USD so với cùng kỳ. Bộ Công thương xác nhận, mức giảm KNXK của cả 2 nhóm hàng nói trên là đáng lo ngại. Trên thực tế, hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản từ đầu năm đến nay diễn ra không suôn sẻ, dưới tác động tiêu cực, như sự suy giảm về nhu cầu thị trường, sức mua của các nhà nhập khẩu bên cạnh những yếu tố bất lợi, tồn tại chủ quan trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ hàng hóa của DN trong nước như tình trạng "được mùa, mất giá", thiếu trang thiết bị từ bảo quản, vận chuyển, giao nhận...
Hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu tại Công ty Giày Thụy Khuê. Ảnh: Phương Thanh |
Điều đáng tiếc là, KNXK của các doanh nghiệp (DN) "nội" chỉ đạt 18,83 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ; trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 44,37 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Như vậy, vấn đề càng đáng suy ngẫm khi “sức khỏe” của DN "nội" còn hạn chế, chưa thể hiện được sức vươn lên, tiếp cận hoặc tiến tới thu hẹp khoảng cách so với DN nước ngoài. Bên cạnh đó, KNXK hàng hóa Việt Nam từ đầu năm đến nay chỉ dựa vào kết quả xuất khẩu của nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây là nhóm hàng có KNXK tăng duy nhất với giá trị đạt 49,27 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ, cho thấy sự ổn định của lĩnh vực quan trọng này. Thực tế ghi nhận những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trong 5 tháng đầu năm, như điện thoại và linh kiện, hàng dệt và may mặc, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày, dép các loại, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ... Các chuyên gia cho biết, thực tế đó là dấu hiệu đáng mừng của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế.
Tăng cường khai thác các cơ hội, tiềm năng
Kết quả nói trên đang đặt ra yêu cầu cần tăng tốc độ xuất khẩu để gia tăng KNXK trong thời gian từ nay đến cuối năm. Bộ Công thương đang tăng cường tìm thị trường, thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu (đặc biệt là nhằm mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu nông sản) gồm các thị trường truyền thống và các thị trường mới có tiềm năng. Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đến nay thị trường Mỹ và Australia đã mở cửa tiếp nhận quả vải Việt Nam và đó là biểu hiện tích cực, có lợi cho ta. Phần còn lại, quyết định mức tiêu thụ được bao nhiêu phụ thuộc vào sự năng động, linh hoạt của DN xuất khẩu: Từ khâu quảng bá tiếp thị, bảo quản đến duy trì sự đồng đều về hình thức cũng như chất lượng hàng hóa. Trong khi đó, giới chuyên gia cũng khuyến nghị các cơ quan quản lý cần phối hợp với DN, để hỗ trợ họ làm tốt nhiệm vụ gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vấn đề này cũng được đề cập và nhằm hướng khắc phục đối với một số sản phẩm nông nghiệp khác như cà phê, gạo, cao su…
Bộ Công thương nhấn mạnh, mục tiêu trước mắt là khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, cam kết quốc tế (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Đơn cử, FTA Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan vừa được ký kết và DN Việt đang đứng trước những cơ hội mới để đưa hàng thâm nhập càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Trong đó, DN cần khai thác có hiệu quả những ưu đãi về thuế quan đối tác dành cho Việt Nam, tập trung vào một số nhóm hàng quan trọng như: Nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến - vốn là những mặt hàng hiện đang phải chịu mức thuế suất cao. Riêng với mặt hàng thủy sản, Liên minh sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng và số lượng không hạn chế. Đối với dệt may, da giày, phần lớn mặt hàng có mức thuế suất về 0%, số còn lại cũng sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình. Về tổng thể, hai bên sẽ dành cho nhau mức mở của thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương 90% kim ngạch thương mại song phương.
Ngoài ra, các hiệp hội ngành hàng, mỗi đơn vị cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, triển khai công tác này một cách có trọng tâm bên cạnh việc nâng cao khả năng giải quyết tranh chấp thương mại. Bộ Công thương cũng yêu cầu đội ngũ tham tán thương mại quan tâm hỗ trợ thông tin, khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế. DN cũng được khuyến nghị, phát hiện những thị trường nhỏ thị trường ngách nhằm mở rộng quy mô xuất khẩu. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng chủ động trong kiểm soát hoạt động nhập khẩu; khống chế việc nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ, ô tô du lịch, sản phẩm mà DN trong nước đã làm được... bảo đảm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát nhập siêu dưới mức 5% trong năm 2015.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.