Với 26 triệu người sở hữu tiền mã hóa, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ người nắm giữ tài sản số nhiều nhất thế giới. Thế nhưng, do chưa có quy định quản lý với loại tài sản mã hóa này, nên không những nhà nước thất thu thuế mà còn phát sinh hoạt động giao dịch bất hợp pháp.
Việc Chính phủ hoàn thiện Nghị quyết thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa và các quy định về tài sản số được đưa vào Luật Công nghiệp công nghệ số trình Quốc hội, đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Tăng thu ngân sách
Theo công bố của Finder, 41% người Việt được khảo sát cho biết từng mua bán tiền mã hóa, tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia tham gia khảo sát.
Còn theo số liệu của Crypto Crunch App, Việt Nam có 26 triệu người sở hữu tiền mã hóa, đứng thứ 3 toàn cầu. Các số liệu trên phản ánh sự quan tâm của người Việt ngày càng tăng đối với loại tài sản này.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nhiều cá nhân, tổ chức trong nước đang sở hữu và giao dịch tài sản mã hóa thông qua các nền tảng giao dịch phi tập trung quốc tế, trong khi pháp luật Việt Nam hiện chưa quy định về tài sản mã hóa.
Việc này dẫn tới các tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa cho nhà đầu tư Việt Nam không tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí theo quy định… Do vậy, việc thành lập sàn giao dịch tiền ảo do nhà nước cấp phép sẽ giúp quản lý hoạt động này, giảm thiểu rủi ro và bảo đảm tính minh bạch.
Theo một số chuyên gia về blockchain (công nghệ chuỗi khối), khi sàn giao dịch được hợp pháp hóa, nhà nước có thể áp thuế lên các giao dịch tiền số (thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp, hoặc thuế giao dịch).
Với hàng triệu người Việt Nam tham gia thị trường tiền số, các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới về chỉ số chấp nhận tiền điện tử, tiềm năng thu thuế là rất lớn.
Ngoài ra, việc cấp phép sàn giao dịch tiền số sẽ cho phép doanh nghiệp phát hành tài sản số để huy động vốn, từ đó phục vụ sản xuất, kinh doanh và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Điều này cũng giúp Việt Nam bắt kịp xu thế toàn cầu về tài sản số.
Việc đưa sàn giao dịch tiền mã hóa hoạt động, giúp thu hút đầu tư và giữ nguồn vốn trong nước, đồng thời thu hút đầu tư từ các tổ chức quốc tế muốn tham gia thị trường Việt Nam dưới khung pháp lý rõ ràng.
Đặc biệt, việc hợp pháp hóa và quản lý sàn giao dịch sẽ giúp giảm thiểu các hoạt động bất hợp pháp như lừa đảo đa cấp hay rửa tiền, vốn đang là vấn đề nhức nhối khi thị trường tiền ảo hoạt động tự phát.
Đề xuất cơ chế thử nghiệm
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về chính sách quản lý tài sản mã hóa, tiền mã hóa, Trưởng ban Công nghệ (Hiệp hội Dữ liệu quốc gia) Nguyễn Huy cho hay, tại các quốc gia, việc quản lý tiền số dựa trên 5 yếu tố.
Đó là thực thể cung cấp dịch vụ tiền số cần có đăng ký, được cấp giấy phép và cấp quyền. Trường hợp các thực thể nếu cung cấp nhiều chức năng trong lĩnh vực tiền số (kết hợp chức năng sàn giao dịch, ví lưu trữ, dịch vụ tạo lập thị trường) phải tuân thủ các yêu cầu an toàn và phải tách biệt tài sản của khách hàng khỏi các chức năng khác.
Các nhà phát hành phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn; quản lý chặt chẽ như quản lý hệ thống ngân hàng để hạn chế rủi ro lên sự ổn định của hệ thống tiền tệ và tài chính. Cần có những yêu cầu rõ ràng đối với các tổ chức tài chính được quản lý, tiếp xúc và tham gia vào tiền điện tử...
Nhiều quốc gia cũng đã có chính sách quản lý đối với tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Tại Hoa Kỳ, các cơ quan quản lý coi nhiều loại tiền số là chứng khoán, yêu cầu sàn giao dịch phải đăng ký và tuân thủ quy định chặt chẽ; xem tiền số là một loại hàng hóa và đã phê duyệt ETF Bitcoin giao ngay, giúp thị trường tiền số trở nên chính thống hơn.
Trong khi đó, Singapore đã cấp phép cho các sàn giao dịch hoạt động hợp pháp, nhưng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ về chống rửa tiền và xác thực khách hàng.
Còn Hàn Quốc yêu cầu các sàn giao dịch đăng ký với cơ quan quản lý và tuân thủ quy định chống rửa tiền nghiêm ngặt, đánh thuế 20% trên lợi nhuận từ giao dịch tiền số từ năm 2025...
Trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa, Bộ Tài chính đề xuất, cho phép các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động theo pháp luật doanh nghiệp dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần, được thí điểm phát hành tài sản mã hóa nhằm mục đích huy động vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển nền kinh tế số và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tổ chức phát hành tài sản mã hóa chỉ được phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa được Bộ Tài chính chấp thuận. Tài sản mã hóa sau khi phát hành được giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức này. Việc thí điểm giao dịch tài sản mã hóa được thực hiện tại không quá 5 tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa...
Hiện các văn bản pháp luật đang được cơ quan chức năng hoàn thiện. Hy vọng, trong thời gian không xa, việc giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa sớm tại Việt Nam có khuôn khổ pháp lý.
Giám đốc quốc gia Binance Lynn Hoàng cho biết, việc lựa chọn tiêu chí để phân loại tài sản số còn tùy thuộc hệ thống quy định pháp luật và nhu cầu quản lý của từng quốc gia.
Qua thực tế, Binance thấy tài sản số thường được phân loại dựa trên chức năng và quyền lợi cơ bản mà chúng đại diện. Có thể phân loại một số nhóm tài sản số phổ biến gồm: Token thanh toán, như tiền mã hóa dùng trong giao dịch; Token tiện ích, cung cấp quyền truy cập vào một nền tảng hoặc dịch vụ cụ thể; Token bảo chứng hoặc chứng khoán, đại diện cho công cụ tài chính hoặc tài sản trong thế giới thực.
Tuy nhiên, trước khi phân loại tài sản số cần định nghĩa rõ về từng loại tài sản, sử dụng thuật ngữ thống nhất, tránh mơ hồ, chồng chéo cho cả cơ quan quản lý lẫn người dùng.
Về điều kiện cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa, bà Lynn Hoàng cho hay, mọi quy định đều nhằm tới mục đích chung là: Bảo vệ quyền lợi và tài sản của người dùng; tạo điều kiện để nền kinh tế và toàn ngành phát triển bền vững. Do vậy, khung pháp lý cần xây dựng xoay quanh hai trụ cột này.
Dù ở bất kỳ quốc gia nào, các quy định được thiết kế và triển khai bài bản đều đóng vai trò thiết yếu cho sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành tài sản số.
Đây là nền móng quan trọng giúp tạo ra một môi trường an toàn cho các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, song song với bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.