(HNM) - Một trong những chỉ số quan trọng của nền kinh tế và cũng là mối lo ngại của những cơ quan điều hành vĩ mô là tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI).
Trên thực tế, nhìn chung CPI vẫn tăng nhưng luôn ở mức thấp và nằm trong khả năng "căn chỉnh" của cơ quan quản lý. Các chuyên gia dự báo, nhiều khả năng mức tăng CPI cả năm nay sẽ được kìm giữ trong giới hạn như chỉ tiêu thông qua từ đầu năm là dưới 7%...
Tốc độ tăng giá tiêu dùng hiện ở mức thấp và nằm trong khả năng “căn chỉnh” của cơ quan quản lý. Ảnh: Như Ý |
Một đặc điểm có tính chất riêng biệt trong diễn biến CPI từ đầu năm đến nay là tổng cầu của nền kinh tế cũng như tiêu dùng xã hội luôn trầm lắng, chưa có sự hồi phục như mong đợi. Phần lớn doanh nghiệp (DN) còn gặp khó khăn, thậm chí tồn đọng sản phẩm nên chưa thể tăng tốc tiêu thụ các loại nguyên, vật liệu. Trong khi đó, mức tiêu dùng và khả năng chi trả, mua sắm của thế giới cũng trong hoàn cảnh tương tự nên phần nào ảnh hưởng đến mục tiêu tăng cường tiêu thụ hàng hóa thông qua xuất khẩu của DN Việt Nam.
Hiện đã vào dịp đầu hè, dịp này giá cả thường tăng nhẹ với một số mặt hàng như lương thực - thực phẩm, giao thông vận tải, văn hóa - giải trí - du lịch. Trong đó, đáng lưu ý là việc điều chỉnh giá cước vận tải ở thời điểm bắt đầu mùa du lịch sẽ tác động trực tiếp, đồng thời là nhân tố để kéo CPI tháng 5 tăng so với tháng trước. Bên cạnh đó, lượng hoa quả, đường, bia, nước giải khát, hàng điện máy chắc chắn cũng sẽ gia tăng theo nhu cầu xã hội để "cộng hưởng", góp phần thúc đẩy mức tăng CPI. Tuy nhiên, phần lớn nhóm hàng còn lại trong bảng tính toán CPI như dịch vụ y tế và dược phẩm, viễn thông, giáo dục, lương thực và thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng… sẽ không thể tăng bởi nhu cầu tiêu thụ của xã hội không tăng, nguồn cung rất dồi dào và đồng đều giữa nhiều khu vực nên quan hệ cung - cầu được giữ vững ở mức ổn định. Thêm vào đó, giá gas nhập khẩu đang tiếp tục xu hướng giảm dưới sức ép của việc giảm sút nhu cầu tiêu thụ khi thế giới bước vào mùa hè (bớt nhu cầu dùng gas để sưởi ấm như mùa thu, đông). Từ đó, một số chuyên gia kinh tế dự báo, mức tăng CPI tháng 5 sẽ "nhẹ nhàng" như các tháng trước, chắc chắn là dưới 0,5%, thậm chí "rơi" vào khoảng dưới 0,3%.
Với diễn biến tình hình như từ đầu năm đến nay, kết hợp những dự đoán về sức tiêu thụ của nền kinh tế và nhu cầu của đời sống dân sinh thì CPI cả năm 2013 sẽ diễn ra đúng như kịch bản và có thể kiểm soát ở mức dưới 7% một cách không quá khó khăn. Điều này đương nhiên mang lại hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế, bởi DN không bị đè nặng bởi sự gia tăng giá cả đầu vào và từ đó hỗ trợ một phần cho quá trình hồi phục, tăng cường sản xuất; người dân được giảm thiểu áp lực chi tiêu hằng ngày.
Như vậy, đến thời điểm này, lạm phát không phải là vấn đề quá lớn đối với Việt Nam trong năm kế hoạch 2013, nhất là khi giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường quốc tế đang tiếp tục xu hướng ổn định. Song, các chuyên gia vẫn cảnh báo, cộng đồng DN nhất là những đơn vị chuyên làm hàng xuất khẩu cần tăng cường công tác dự báo, tận dụng hoặc tiếp thu thông tin, số liệu tư vấn của cơ quan chức năng để có phương án chủ động trong việc thu xếp kế hoạch nhập khẩu hàng hóa, nguyên phụ liệu phục vụ làm hàng xuất khẩu cho các tháng tới. Tình hình thị trường thế giới mặc dù đang ổn định, giá nhiều mặt hàng không tăng nhưng vẫn còn ẩn chứa một số yếu tố phức tạp, có thể khởi phát bất ngờ. Đơn cử, DN làm hàng dệt may và da giày cần lưu ý khả năng duy trì nguồn nguyên, phụ liệu đầu vào bảo đảm chất lượng với giá phải chăng để bảo đảm mức lợi nhuận, có lãi. Vấn đề tiếp theo là DN nên "chốt" thời điểm ký hợp đồng nhập khẩu để tận dụng thời điểm giá trên thị trường quốc tế đang "đứng" hoặc giảm để tiết giảm giá nguyên liệu, vật tư đầu vào. Đây là cách làm khôn ngoan, đồng thời là điều kiện quan trọng để hạ giá thành sản phẩm đầu ra và từ đó tác động tốt cho mỗi đơn vị cũng như CPI nói chung.
Về lâu dài, các DN cần đầu tư cho chuỗi cung ứng, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất ngay trong nước nhằm phòng tránh tình trạng phụ thuộc nguồn nhập khẩu, thậm chí bị ép giá như hiện tại. Làm được như vậy, các DN càng có cơ hội phát huy nội lực, thắt chặt quan hệ bạn hàng trong nước, đồng thời có điều kiện chủ động về kế hoạch hoạt động, số lượng đơn hàng và giá cả…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.