(HNMCT) - Với những người làm báo, nhất là hệ thống báo Đảng các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhà báo Kiều Ngọc Kim (nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tây, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới) là một người đồng nghiệp thân thiết, gần gũi. Gần 10 năm rời nhiệm sở, ông vẫn chưa ngày nào rời cây bút. Đến tận bây giờ những trăn trở về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ác liệt, về nhân tình thế thái vẫn được ông trải lòng qua những trang văn ấm áp nghĩa tình.
1. Dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua, trời mưa tầm tã. Thời tiết xấu nhưng lại... hay bởi đó là cái cớ hợp lý để anh em làm báo ở tuổi hưu trí hàn huyên. Chúng tôi gặp nhà báo Kiều Ngọc Kim trong buổi ra mắt hai tập truyện ngắn mới của ông - “Dã quỳ nở muộn”, “Gã khùng” (NXB Hội Nhà văn, năm 2022), cũng trong ngày mưa ấy. Thì ra sau gần chục năm trời vui cảnh điền viên, nhà báo Kiều Ngọc Kim, nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tây, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Tây, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, vẫn vẹn nguyên một nỗi đam mê cháy bỏng, đó là viết văn.
Gắn bó với nghề làm báo chuyên nghiệp hơn ba chục năm, đối với nhà báo Kiều Ngọc Kim đó lại là bởi chữ duyên. Ông thường nói vậy vì thật ra lựa chọn ban đầu của ông sau những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, đất nước hòa bình thì ông trở về quê dạy học. Ông kể: “Những năm 1971 - 1972, cùng với hàng chục vạn thanh niên nam nữ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tôi cũng xếp bút nghiên lên đường ra tiền tuyến theo tiếng gọi: “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”. Những năm tháng lăn lộn ở chiến trường B2 khói lửa, băng rừng, lội sình lầy cùng đồng đội đi suốt chiều dài biên giới Campuchia, dọc các bưng biền Bình Long, Phước Long, Tây Ninh, Tân An, Long An đã rèn giũa chàng trai trẻ năm nào trở thành một chiến binh của Trung đoàn 201 anh hùng. Khi đất nước hòa bình, Nam - Bắc liền một dải, Kiều Ngọc Kim khoác ba lô về trường học, trở thành “Anh thương binh vẫn đến trường làng/ Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương...”.
Chiến tranh, sốt rét và thương tật khiến ông quên đi nhiều kiến thức phổ thông. Thế nhưng “trong cái rủi lại có cái may”, một người thầy khuyên ông: “Em bỏ khoa Toán, sang học khoa Văn. Đảng viên mà học kém các bạn, chẳng xấu hổ lắm sao?”. Duyên với văn chương, chữ nghĩa đến với Kiều Ngọc Kim cũng khởi đầu từ đó. Rồi từ cộng tác viên tờ báo Đảng bộ địa phương, ông trở thành phóng viên Báo Hà Sơn Bình (1982), 9 năm sau (1991) được giao chức Trưởng phòng Biên tập và 11 năm sau nữa (2002) thì nhậm chức Tổng Biên tập Báo Hà Tây. Đi nhiều, chịu khó quan sát, ghi nhớ, suy ngẫm và viết đều, viết khỏe, đa dạng các thể loại là đặc điểm nổi bật của cây bút Kiều Ngọc Kim.
2. Làm cán bộ quản lý báo chí vốn dĩ công việc, họp hành rất nhiều, phải xử lý các sự vụ ngoài chuyên môn tòa soạn nên nhiều khi không có thời gian để viết. Thế nhưng với nhà báo Kiều Ngọc Kim, niềm vui của ông chính là được viết, đặc biệt là viết văn. Viết theo sở thích, vui thì viết, cưỡng lại căn bệnh lười nhác - ông vẫn nói vui như vậy. Hơn chục đầu sách văn học mà ông là tác giả, với các thể loại tiểu phẩm, tạp văn, bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết... đã nói lên điều đó. Những tập sách qua các thời kỳ như “2 cộng 2 bằng mấy?” (NXB Văn học 1996), “Đâu phải chỉ có vâng, dạ!” (NXB Thanh niên, 1998), “Hương cốm” (NXB Quân đội, 2002), “Một thời để nhớ” (NXB Mỹ thuật, 2006), “Đất Việt yêu thương” (NXB Thanh niên, 2011), “Dòng sông nước đỏ” (NXB Hội Nhà văn, 2017), “Hương quê - Chùa Hương, Mỹ Đức” (NXB Hội Nhà văn, 2018) và gần đây là “Dã quỳ nở muộn” (NXB Hội Nhà văn, 2021), “Gã khùng” (NXB Nhà văn, 2022), đã cho thấy sức làm việc không biết mệt mỏi của ông.
Phần lớn chủ đề trong các tập sách của ông là chiến tranh, nghĩa tình của đồng bào Nam Bộ dành cho những người lính, các vấn đề hậu chiến. Mặc dù chịu nhiều gian khổ, hy sinh nhưng với tinh thần người lính, họ không kêu ca, so đo toan tính thiệt hơn mà vẫn âm thầm chịu đựng, lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống. Thông điệp của các tập sách như một lời tri ân của tác giả với những người đã cưu mang những người lính Cụ Hồ và cả lời tri ân dành cho những đồng đội đã chiến đấu cho nền độc lập, tự do của dân tộc, trong số đó có nhiều người mãi mãi không trở về.
3. Là cán bộ quản lý cơ quan báo chí, Kiều Ngọc Kim đã để lại những dấu mốc khá ấn tượng đối với Báo Hà Tây. Nếu như năm 2001, tờ báo có 1 ấn phẩm báo in, xuất bản 2 kỳ/tuần, khuôn khổ 29x42cm, thì những năm sau đó, Báo Hà Tây đã lần lượt ra đời 4 ấn phẩm, bao gồm báo in Hà Tây hằng ngày, Hà Tây Cuối tuần, Hà Tây hằng tháng và Hà Tây Điện tử. Báo Hà Tây hằng ngày xuất bản 7 kỳ/tuần, kể cả ngày chủ nhật, khổ lớn 42x57cm; Hà Tây Cuối tuần với 12 trang và Hà Tây hằng tháng dày 32 trang. Các số báo in được cải tiến về nội dung, hình thức, có thời điểm phát hành 25.000 tờ/kỳ, một số lượng rất lớn so với báo Đảng các tỉnh cả nước. Báo Điện tử và các video clip cập nhật thông tin, thực hiện chức năng của một tờ báo mạng đã có lượng bạn đọc truy cập lớn. Nhờ những nỗ lực đó, Báo Hà Tây và các đoàn thể được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Nhất; Đảng bộ Báo Hà Tây liên tục đạt danh hiệu "Tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh".
Từ tháng 8-2008, Báo Hà Tây sáp nhập vào Báo Hànộimới - đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Tổng Biên tập Báo Hà Tây Kiều Ngọc Kim về nhậm chức Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới. Nhiệm vụ mới nặng nề, phức tạp hơn, ông đã cùng tập thể Ban Biên tập đưa tờ báo Đảng Thủ đô có sự phát triển vượt bậc, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Ông luôn ý thức được rằng phải giữ được bản sắc tờ báo của người Hà Nội văn minh, thanh lịch, nơi hội tụ, kết tinh tinh hoa văn hóa của cả nước. Quan điểm lãnh đạo của Kiều Ngọc Kim là không chỉ lo cho anh em phóng viên đời sống kinh tế mà còn chú trọng trang bị kiến thức làm nghề cũng như bồi dưỡng chính trị để anh em có thể phát triển ở những vị trí cao hơn. Chính vì thế, một số anh em dưới quyền của ông sau đó đã trưởng thành, trở thành lãnh đạo một số cơ quan trong và ngoài hệ thống báo chí.
Là một người lính trở về từ chiến trường, ông có nhiều tư liệu và sự trải nghiệm trong cuộc sống để viết nên những trang báo, trang văn sâu sắc, lôi cuốn bạn đọc. Dù xuất bản đến hơn chục tập sách nhưng chưa khi nào ông tự nhận mình là nhà văn. Ông bảo, ông mãi là một nhà báo, một nhà quản lý có tình yêu và niềm đam mê văn chương. Văn chương với ông không phải là một nghề, mà là một cuộc dạo chơi thú vị với con chữ; ở đó, mỗi người sẽ yêu hơn, trân trọng giá trị của cuộc sống, sẽ đối xử với nhau nghĩa tình, nhân văn hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.