Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiêu hãnh giữa trùng khơi

Vũ Thủy| 13/02/2013 06:49

(HNM) - Sau 2 ngày vượt sóng gió, tàu HQ624 đưa đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Hải quân và nhóm phóng viên chúng tôi đến cụm nhà giàn Phúc Tần. Nơi đây, biết bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân bằng hoài bão, khát vọng lớn lao của tuổi trẻ đã gác lại tình cảm riêng tư, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc…

Nhà giàn DK1 vững vàng giữa biển khơi.


Điểm tựa chủ quyền Tổ quốc

Năm 1989, Đảng, Nhà nước đã thực hiện chủ trương xây dựng cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ (DK1) tại khu vực các bãi ngầm trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc nhằm khai thác tiềm năng và những ưu thế tự nhiên trong khu vực, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam. 3 nhà giàn DK1 đầu tiên được Bộ GTVT và Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng tại bãi Phúc Tần (lô 3), bãi Tư Chính (lô 1) và bãi ngầm Ba Kè (lô 6). Năm 1990-1991 xây dựng thêm 3 nhà giàn tại bãi Phúc Nguyên (lô 2), Huyền Trân (lô 4) và Quế Đường (lô 5)... Đến nay, tại khu vực thềm lục địa phía Nam Tổ quốc có 15 nhà giàn hiện diện vững chắc trên các bãi ngầm tại Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường và Ba Kè.

Không phải ai cũng lên được nhà giàn mùa biển động, ấy vậy dù sóng cấp 6, cấp 7, nhóm phóng viên chúng tôi vẫn can đảm bước xuống ca nô, chòng chành lướt trên ngọn sóng để tiếp cận nhà giàn DK1/18. Đến chân nhà giàn, sau khi được hướng dẫn cách bám dây thừng, chúng tôi cũng liều ngồi kẹp chặt thanh gỗ bám dây để chiến sỹ nhà giàn kéo lên. Đại úy, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/18 Nguyễn Đăng Hùng đưa chúng tôi lên đỉnh nhà giàn để giới thiệu phên giậu phía Nam của Tổ quốc. Nước da sạm nắng, không có ấn tượng gì đặc biệt nhưng khi nói chuyện, anh có sức hút kỳ lạ. Nguyễn Đăng Hùng sinh năm 1978, quê ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) là chỉ huy trưởng trẻ nhất trong số 15 nhà giàn thuộc Tiểu đoàn DK1. Anh kể, đã nhiều năm nay cùng anh em ăn tết ở nhà giàn DK1. Nơi quê nhà, người thân đã quen sự vắng mặt của anh mỗi dịp tết, xuân về. Đại úy Nguyễn Đăng Hùng nhấn mạnh, chúng tôi có mặt ở đây, ngoài khẳng định cột mốc chủ quyền, còn làm chỗ dựa cho ngư dân đánh bắt hải sản, làm tiêu cho tàu thuyền qua lại, thường xuyên hỗ trợ y tế, lương thực cho ngư dân.

Nói về cuộc sống của anh em nhà giàn, giọng Đại úy Nguyễn Đăng Hùng bùi ngùi, nhỏ lại. Anh cho rằng, mọi thứ so sánh là khập khiễng, cũng là lính song lính nhà giàn phải biết chấp nhận một hoàn cảnh rất đặc biệt. Đi lại khó khăn, ít nhất là 10 tháng, trung bình là 16 tháng, còn lâu hơn là 27 tháng mới có thể về thăm người thân. Mấy năm gần đây, nhà giàn mới có điện, sóng điện thoại, còn trước kia buổi đêm tối lắm, 6 tháng mới nhận được tin tức từ đất liền qua thư. Anh em sinh hoạt quẩn quanh mấy trăm mét sắt, nhiều đêm đứng gác nhớ đất liền da diết…

Bây giờ có sóng điện thoại, liên lạc dễ dàng, hai tháng lại có tàu tiếp ứng lương thực, được gặp các anh, các chị từ đất liền ra đợt này, cán bộ, chiến sỹ nhà giàn mừng lắm. Theo Đại úy Nguyễn Đăng Hùng, sóng biển mùa này bộ đội còn say, các bạn phải can đảm mới đặt chân lên nơi này. Sự có mặt của các bạn chính là nguồn cổ vũ, động viên chúng tôi tiếp tục kiên cường bám trụ nơi đầu sóng, ngọn gió.

Kiên cường trước bão tố

Thời điểm chúng tôi có mặt tại khu vực DK1, cán bộ, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp vừa chống chọi với cơn bão số 1 năm 2013 được một tuần. Thượng úy Cao Đức Cảnh, Chính trị viên nhà giàn DK1/7 cụm Huyền Trân cho biết, hơn 3 năm làm nhiệm vụ ở DK1, mỗi năm có đến hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp khu vực thềm lục địa. Nhưng cơn bão số 1 mới đây là cơn bão mạnh, tâm bão cách nhà giàn khoảng 10km, sóng biển cấp 9, gió giật trên cấp 12, nhà giàn rung lắc mạnh. Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân điện chỉ đạo Ban chỉ huy nhà giàn căn cứ vào tình hình cụ thể, khẩn trương đưa người xuống khỏi nhà giàn để tránh bão an toàn. Lúc đó, Ban chỉ huy nhà giàn chúng tôi hội ý, nhận định khả năng nhà giàn chịu đựng được bão và quyết định báo cáo, đề xuất với Bộ Tư lệnh đồng ý để anh em ở lại bám trụ, đồng thời chuẩn bị các phương án đề phòng bão làm đổ nhà giàn...

Cơn bão số 1 cũng làm cho các nhà giàn ở cụm nhà giàn Phúc Tần rung lắc mạnh. Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/18 Nguyễn Đăng Hùng kể, lúc đó anh em chúng tôi có thể xuống tàu trực tránh bão, nhưng lúc đó tôi nghĩ, nếu rời trận địa sẽ mất phương hướng bảo vệ chủ quyền thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vì thế tôi động viên cán bộ, chiến sỹ cố bám trụ. Không xuống tàu tránh bão, nhưng Ban chỉ huy nhà giàn chỉ đạo toàn lực lượng sẵn sàng phương án sẵn phao bè, nước ngọt, lương khô… nếu nhà giàn đổ thì bám phao trôi dạt ra ngoài, chờ tàu đến ứng cứu.

Nghe câu chuyện Ban chỉ huy các nhà giàn kể, chúng tôi hiểu vùng biển DK1 có vai trò quan trọng trong phòng thủ, khai thác tiềm năng kinh tế biển, nhưng điều kiện khí tượng, hải văn vùng biển này phức tạp, khắc nghiệt. Cũng chính sự khắc nghiệt ấy, nhiều chiến sỹ đã hy sinh vì bão tố trên vùng biển này. Thượng tá Lê Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân kể, chiều ngày 4-12-1990 cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực nam Biển Đông. Dưới sự chỉ huy của Trung úy - Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và Thượng úy - Chính trị viên Trần Hữu Quảng, các anh đã ra sức chống chọi với bão tố. Song, đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sỹ xuống biển và 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Chúng tôi và nhiều đồng đội của anh không thể quên được tấm gương hy sinh anh dũng và cao đẹp của Thượng úy Chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc phao cứu sinh cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sỹ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội, rồi thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng. Cũng ở vùng biển này, cơn bão số 8 năm 1998 hung dữ và tàn khốc đã làm đổ nhà giàn DK1/6 bãi Phúc Nguyên. 9 cán bộ, chiến sỹ đã bị hất tung và trôi dạt nhiều ngày trên biển. Lực lượng cứu hộ đã cứu được 6 cán bộ, chiến sỹ, còn 3 người là Đại úy, Trạm trưởng nhà giàn Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An đã anh dũng hy sinh. Đặc biệt, Chuẩn úy Nguyễn Văn An ra đi, để lại nỗi đau vô bờ nơi hậu phương có người vợ trẻ và đứa con nhỏ mới chào đời chưa kịp nhìn mặt bố.

Chia tay, tôi nhớ mãi câu nói của Đại úy, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/18 Nguyễn Đăng Hùng: "Dù khó khăn, gian khổ, thậm chí chấp nhận cả sự hy sinh, tôi và đồng đội luôn xác định phải có mặt ở đây để chốt giữ vùng biển thềm lục địa phía Nam Tổ quốc". Các anh thật kiêu hãnh giữa trùng khơi. Năm mới, tôi chỉ cầu mong trời yên, biển lặng để các anh bớt đi khó khăn gian khổ, chắc tay súng canh giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiêu hãnh giữa trùng khơi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.