Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà: Ứng dụng vật liệu truyền thống vào thiết kế đương đại

Thúy Đinh| 12/11/2022 07:45

(HNMCT) - Từ tác phẩm “nhà tre nổi” tham gia triển lãm đặc biệt "Đi trên mây" tại Bảo tàng Nghệ thuật Leeum Hàn Quốc, kiến trúc sư (KTS) Đoàn Thanh Hà và cộng sự đã hiện thực hóa thành ngôi nhà 3 gian dành cho người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Với quan điểm kiến trúc vị dân sinh, KTS Đoàn Thanh Hà luôn gây bất ngờ với những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, thiết thực với người dân, được ghi nhận qua nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế.

- Thưa KTS Đoàn Thanh Hà, so với kiến trúc nhà nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có, kiến trúc nhà nổi mà anh đang thiết kế có những ưu thế nào?

- Sự khác biệt nằm ở chỗ đây là mô hình nhỏ gọn về tiết diện, có thể nổi trên hệ thống thùng phuy. Những thùng phuy ấy được chúng tôi tính toán để có thể trữ được nước ngọt, đựng nước thải sinh hoạt. Hệ mái nhà có thể tận dụng để hứng nước mưa, để pin mặt trời... Khung của nó bằng cây tầm vông, một loại cây thông dụng với tiết diện nhỏ nhưng chắc, khỏe. Diện tích ngôi nhà khoảng 50m2, đủ cho một gia đình nhỏ sinh hoạt trong đó. Chúng tôi hướng tới vật liệu thân thiện, cấu trúc đơn giản để nhiều người có thể làm được, vừa làm nhà ở, vừa có thể biến thành không gian cộng đồng, lớp học mẫu giáo, trạm y tế lưu động..., có thể tạo nên những đơn vị quần cư trên mặt nước. Tôi nghĩ, công trình của mình tối thiểu cần trải qua 1 - 2 năm trong điều kiện thực tế ở trên mặt nước thì sẽ phát lộ ưu điểm cũng như hạn chế cần khắc phục, từ đó mới đưa vào ứng dụng thực tế.

- Những công trình kiến trúc của anh chủ yếu làm bằng tre và những vật liệu thân thiện với môi trường. Với công trình nhà nổi, cách dùng tre của anh như thế nào?

- Tre là một vật liệu thú vị, có nhiều ở Việt Nam. Khi dùng tre, tôi giữ nguyên cây tre chứ không uốn cong nó. Độ dài của tre bao nhiêu thì tôi sẽ cố gắng dùng bấy nhiêu, không nối dài; mục đích là để nhiều người có thể theo cách đó mà làm. Công trình của tôi không quá phức tạp nhưng đáp ứng được nhu cầu cơ bản của cộng đồng, ví dụ như nhà hai tầng cho bà con ở Hà Giang mang tên “Kết tủa” (tầng 1 tận dụng bột đá làm tường, tầng 2 dùng tre và đất). Với những vật liệu mang tính nguyên thủy thì trong quá trình sử dụng cho đến khi hư hỏng đều không ảnh hưởng đến môi trường. Nó hoàn toàn “bền vững” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

- Phong cách “kiến trúc vị dân sinh” chắc hẳn mang đến cho anh nhiều cơ hội?

- Việc gì cũng có thuận lợi, khó khăn. Còn cơ hội ư? Chúng ta nên nhìn rộng ra một chút. Tôi gặp một số người bạn ở nước ngoài, họ có tầm nhìn về kiến trúc châu Á cũng như thế giới. Họ cho rằng, kiến trúc Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây có những tín hiệu tích cực, mặc dù những công trình ấy chủ yếu có quy mô nhỏ. Nhưng nhỏ hay to không quan trọng! Chúng ta vẫn còn nhiều không gian để xây dựng những công trình kiến trúc mang tính bền vững, khác hẳn với các đô thị “nhiều năm tuổi” như ở châu Âu - nơi có những khu đô thị cổ kính, hình thành từ mấy trăm năm trước.

- Anh nghĩ gì khi thường được giao, hoặc đôi khi tự nhận làm những công trình nhỏ?

- Tôi thấy mình may mắn khi đang theo đuổi phong cách kiến trúc mà cơ hội khá rõ nét, tuy phần lợi nhuận "mờ nhạt". Bởi thế nên đến giờ tôi vẫn giữ được nhiệt huyết. Muốn duy trì được nó, tôi cần sự cố gắng cá nhân cùng sự động viên của đồng nghiệp. Dù là những công trình nhỏ nhưng muốn hoàn thiện, chúng tôi cũng cần trải qua các bước, không khác những công trình lớn. Song song với đơn đặt hàng, chúng tôi luôn duy trì những kiến trúc thử nghiệm, mang tính dự báo rõ nét. Tôi theo đuổi những công trình kiến trúc thử nghiệm ấy rất lâu. Ví dụ như nhà nổi thì 7 năm, nhà tre “Tổ ấm nở hoa” cũng mất 5 năm.

- Tre là vật liệu chủ đạo gắn với phong cách “kiến trúc vị dân sinh” của anh. Có khi nào anh phải đưa ra lựa chọn khác với những gì mình đã định trước?

- Mấy năm nay tôi đang nghĩ về một cái ghế - một chiếc ghế mà mọi người có thể ngồi được, bằng vật liệu thân thiện. Nghe có vẻ tầm phào nhưng tôi vẫn chưa làm được, mặc dù đã làm thử mấy cái nhưng chưa thực sự ưng ý. Kiến trúc cần có danh tính, ngoài việc dự báo tương lai thì cần phải nói lên rằng nó đang ở thời đại nào. Câu chuyện của tre không có thời đại bởi từ xưa đến nay các cụ vẫn dùng tre trong đời sống thường nhật. Điều chúng ta phải làm là tạo nên thời đại của mình bằng vật liệu tre, ngoài cách sử dụng, cách tạo hình thì còn có thể kết hợp tre với những vật liệu bền vững khác, để thấy rằng trong thời đại của mình cũng có thể ứng dụng công nghệ đương đại với truyền thống, tạo ra giải pháp ưu thế hơn so với cái cũ.

- Trân trọng cảm ơn KTS Đoàn Thanh Hà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà: Ứng dụng vật liệu truyền thống vào thiết kế đương đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.