LTS: Ngày 30-1-2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TƯ về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. 10 năm qua, gương mẫu, kiên trì, sáng tạo thực hiện nghị quyết quan trọng này,
LTS: Ngày 30-1-2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TƯ về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. 10 năm qua, gương mẫu, kiên trì, sáng tạo thực hiện nghị quyết quan trọng này, Đảng bộ TP Hà Nội cơ bản đạt được các mục tiêu đặt ra, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đây là cơ sở quan trọng hàng đầu để thành phố thực hiện thắng lợi Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội (khóa XII) về "Việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”.
Bài đầu: Tập trung khắc phục điểm yếu
Bằng tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, quán triệt, thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TƯ, Đảng bộ TP Hà Nội đã thường xuyên rà soát, chỉ ra những hạn chế, yếu kém của tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên để khắc phục.
Phát hiện kịp thời, xử lý dứt điểm
Xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, từng có lúc là “điểm nóng” vì xảy ra một số vụ việc nổi cộm. Khi ấy, tổ chức cơ sở Đảng suy giảm sức chiến đấu; cán bộ lãnh đạo vi phạm pháp luật bị khởi tố; niềm tin của cán bộ và nhân dân giảm sút. Trước tình hình này, Đảng bộ xã tập trung rà soát, làm rõ những điểm yếu, huy động cả hệ thống chính trị tham gia giải quyết. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Quốc Mạnh cho biết: “Hằng tháng, các Đảng ủy viên tỏa về cơ sở dự sinh hoạt chi bộ, kịp thời nắm bắt những vấn đề phát sinh để báo cáo và tham mưu cho Đảng ủy biện pháp xử lý”. Trong thời gian ngắn, Chàng Sơn đã có bước chuyển biến rõ rệt. Đảng bộ không còn chi bộ yếu kém. Năm 2017, xã được Chủ tịch UBND thành phố tặng danh hiệu Tập thể xuất sắc.
Nhờ tổ chức tốt lớp đào tạo nguồn cán bộ thành phố năm 2014 (trong ảnh), nên công tác chuẩn bị nhân sự cho Thành ủy Hà Nội khóa XVI đã bảo đảm các yêu cầu. Ảnh: Bá Hoạt |
Phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, cũng từng nổi lên nhiều vấn đề phức tạp khiến dân mất dần lòng tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng. Để giải quyết, Quận ủy Hai Bà Trưng đã thành lập tổ công tác, giao một đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận dẫn đầu, bám sát cơ sở khắc phục từng vấn đề yếu kém; đặc biệt là tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chấn chỉnh lề lối làm việc. Với những giải pháp đúng đắn, cách làm quyết liệt, vai trò lãnh đạo của cấp ủy cơ sở dần được khẳng định. Hiện nay, Trương Định là phường có nhiều đổi mới, đội ngũ cán bộ lãnh đạo được đảng viên và người dân tin tưởng.
Đây là hai trong hàng chục cơ sở có khó khăn, yếu kém đã và đang được các cấp ủy Đảng TP Hà Nội rà soát, tập trung củng cố với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn nhấn mạnh: Nâng cao vai trò, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng là một nội dung quan trọng nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Nếu không làm tốt việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, để phát sinh một việc phức tạp dù nhỏ ở cơ sở thì sẽ kéo theo nhiều vấn đề, mất rất nhiều thời gian”.
Là một bước đi có tính đột phá, ngày 4-7-2017, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Để thực hiện, toàn thành phố đã rà soát gần 3.000 tổ chức cơ sở Đảng, chỉ rõ điểm mạnh, điểm yếu. Trên cơ sở đó, thành phố đã củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động của 23/86 cơ sở Đảng khó khăn; giải quyết xong hơn 200 vụ việc phức tạp ở địa bàn xã, phường, thị trấn (do cả thành phố và các quận, huyện, thị xã rà soát) và 49 vụ việc tồn đọng kéo dài nhiều năm... Kết quả thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ nhất của Đảng bộ thành phố trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TƯ.
Những con số ấn tượng
Song song với việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, Hà Nội tập trung đổi mới công tác cán bộ. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng: “Quy hoạch cán bộ bảo đảm nguyên tắc “động” và “mở”, nên cán bộ được quy hoạch không có nghĩa là yên tâm sẽ được bổ nhiệm mà không chịu phấn đấu rèn luyện. Những người chưa được quy hoạch cũng không vì thế mà không nỗ lực phấn đấu”.
Với tinh thần ấy, thành phố đã mở các lớp bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ dự nguồn lãnh đạo, các lớp cập nhật kiến thức cho cán bộ chủ chốt theo quy hoạch. Thông qua thực hiện Đề án 07-ĐA/TU của Thành ủy về "Đào tạo cán bộ nguồn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020", thành phố đã đào tạo hơn 1.250 cán bộ nguồn. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, cấp ủy các cấp đã tích cực chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt. Trong đó, cán bộ chủ chốt cấp xã hiện nay có trình độ chuyên môn từ đại học chiếm hơn 90%; chỉ có 8,41% có trình độ trung cấp. Đây là con số rất ấn tượng nếu nhìn lại cách đây 5-6 năm, số cán bộ chủ chốt cấp xã ở nhiều huyện có trình độ đại học mới đạt khoảng 30%.
Chất lượng cán bộ xuất phát từ nền tảng là chất lượng đảng viên. Hà Nội là đảng bộ làm tốt công tác phát triển Đảng với bình quân mỗi năm kết nạp 12.000 đảng viên. Cơ cấu đảng viên mới kết nạp mở rộng sang đối tượng trước đây còn ít như đồng bào có đạo, nông dân trẻ, doanh nhân, công nhân và lao động ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước...
Nhìn lại 10 năm qua, Đảng bộ TP Hà Nội đã triển khai thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TƯ một cách đồng bộ, kiên trì, bài bản, cụ thể hóa bằng Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy khóa XV, XVI. Đặc biệt, Đảng bộ thành phố đã giải được bài toán sau hợp nhất, vận hành bộ máy hiệu quả, đồng thời quyết liệt tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Với Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 24-9-2013, của Ban Thường vụ Thành ủy về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”, thành phố đã tổ chức đồng bộ hệ thống chính trị ở cơ sở, khắc phục tình trạng hai, ba thậm chí là 9 chi bộ lãnh đạo một thôn, tổ dân phố; giảm hàng trăm đầu mối và hàng nghìn nhân sự. Với Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27-2-2012, của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020", Hà Nội đã nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ở một trong những khu vực khó khăn nhất, thành lập mới gần 900 tổ chức cơ sở Đảng, tạo sợi dây liên hệ mật thiết giữa Đảng với hơn 1 triệu quần chúng nhân dân là các doanh nhân, công nhân, người lao động trên địa bàn.
Hiện nay, Đảng bộ Hà Nội có 2.911 tổ chức cơ sở Đảng. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều việc phải làm để thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TƯ trong những năm tới hiệu quả hơn nữa.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.