Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên trì chính sách tiền tệ thắt chặt

Hương Ly| 18/05/2011 06:37

(HNM) - Diễn biến kinh tế phức tạp trong những năm gần đây đã đặt ra nhiều thách thức với nền kinh tế Việt Nam. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Với những chính sách chống lạm phát mà Chính phủ đã nỗ lực thực hiện, sẽ có hai

Áp dụng chính sách tài khóa thắt chặt vẫn là ưu tiên hàng đầu để kiềm chế lạm phát và giữ ổn định kinh tế. Phải làm gì để vừa hoàn thành mục tiêu chống lạm phát nhưng không gây ra những "cú sốc" cho nền kinh tế? Đây là vấn đề chính được thảo luận tại hội thảo Công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2011 do Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 17-5 tại Hà Nội.

Những thách thức với nền kinh tế


Đầu tư cho giáo dục là một trong những chiến lược phát triển.Trong ảnh: Giờ thực hành của các sinh viên Trường ĐH Công nghiệp. Ảnh: Trung Kiên


Theo Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011, bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế đã được các chuyên gia đánh giá dưới nhiều khía cạnh: nợ công, thâm hụt cán cân thương mại, chính sách lãi suất, thị trường lao động… và viễn cảnh kinh tế năm 2011. Năm 2010, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua những khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đạt tốc độ tăng trưởng dương. Tuy nhiên, do tác dụng phụ của chính sách kích cầu thông qua việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tỷ lệ lạm phát đang có chiều hướng tăng cao, kéo lãi suất tín dụng tăng theo, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tỷ lệ thâm hụt thương mại và bội chi ngân sách ở mức cao cũng đang gây áp lực tới sự ổn định của nền kinh tế…

Phân tích kinh nghiệm một thập kỷ chống lạm phát, nhóm nghiên cứu đã thống kê những diễn biến đầy bất ngờ của tốc độ lạm phát và bài học chống lạm phát tại Việt Nam. Theo đó, siêu lạm phát đã xảy ra cuối những năm 1980 và 1990. Bằng việc triển khai những chính sách vĩ mô thận trọng và quản lý chặt chẽ tỷ giá, lạm phát của nước ta đã giảm mạnh và duy trì ở mức thấp trong giai đoạn 2000-2003. Lạm phát tăng mạnh trở lại từ năm 2004, đạt đỉnh điểm trong năm 2008 (ở mức 20%) và đang có chiều hướng tăng cao trong 4 tháng đầu năm.

Các chuyên gia cho rằng, để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam cần kiên trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Những mục tiêu kiềm chế lạm phát được đưa ra tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ được coi là "vừa đủ" để tránh những "cú sốc" cho nền kinh tế khi chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ được triển khai.

Hai "kịch bản" kinh tế Việt Nam năm 2011

Dựa trên những giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đã triển khai thời gian qua, báo cáo đã đưa ra 2 "kịch bản" cho nền kinh tế. "Kịch bản" 1 với chính sách tiền tệ được thắt chặt một cách kiên nhẫn (có thể kéo dài đến hết năm 2011) đi liền với cắt giảm đầu tư công sẽ dẫn kết một kết quả khả quan hơn. Với kịch bản này, lạm phát có thể ở mức 15,5% trong khi tăng trưởng đạt khoảng 6,2%. "Kịch bản 2", mức lạm phát có thể khoảng trên 18% nếu các giải pháp kiềm chế lạm phát không được nghiêm túc triển khai. "Kịch bản" này xảy ra sẽ kéo theo những rủi ro lớn, khả năng lạm phát tăng mạnh và khó kiểm soát có thể xảy ra.

Theo nhóm nghiên cứu, mục tiêu cần ưu tiên hàng đầu là thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt một cách kiên quyết và kiên nhẫn. Việc tính toán lại các chỉ tiêu tiền tệ cho phù hợp với giai đoạn hiện nay đóng vai trò quan trọng. Mức giới hạn tăng trưởng tín dụng 20% cho cả năm đặt ra tại Nghị quyết 11 là hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh nền kinh tế. Nếu đặt chỉ tiêu thấp hơn, vừa khó khả thi khi thực hiện vừa có thể trở thành "cú sốc" mạnh, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các chuyên gia cũng đặc biệt quan tâm đến việc phải làm gì để Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Việt Nam đang đứng giữa hai sự lựa chọn, một là, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng theo hướng bền vững. Hai là, đạt mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá và chủ yếu dựa vào những thế mạnh sẵn có như tài nguyên thiên nhiên… và dễ mắc kẹt vào bẫy thu nhập trung bình. Để tránh bẫy này, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, cần phải thay đổi tư duy về mô hình tăng tưởng theo hướng dựa vào năng suất, hiệu quả và năng lực đổi mới sáng tạo. TS Trần Du Lịch, cho rằng, nhiều quốc gia đã thoát bẫy thu nhập trung bình thành công bằng cách đầu tư cho giáo dục. Theo chiến lược phát triển đến năm 2020, sẽ tập trung vào 3 mục tiêu: hoàn thiện thể chế, đầu tư cho giáo dục, nâng cấp cơ sở hạ tầng và đây chính là hướng đi đúng đắn. Theo nhiều chuyên gia, việc tăng trưởng không dựa vào nguồn vốn FDI, ODA hay tài nguyên thiên nhiên cũng sẽ là hướng đi căn bản để Việt Nam thoát khỏi vấn đề này.

Những vấn đề được nêu tại Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2011 cho thấy, mặc dù đang phải đối phó với nhiều khó khăn, song việc kiên trì thực hiện những giải pháp kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ sẽ là giải pháp đúng đắn. Điều hành chính sách vĩ mô linh hoạt với những mục tiêu phù hợp của Chính phủ sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giữ ổn định nền kinh tế và từng bước giúp Việt Nam khôi phục đà tăng trưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên trì chính sách tiền tệ thắt chặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.