Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên trì cải thiện môi trường kinh doanh

Hồng Sơn| 04/05/2021 06:01

(HNM) - Câu chuyện cải thiện môi trường kinh doanh chưa bao giờ “nguội”, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội hơn một năm qua. Thực tế cho thấy, hỗ trợ doanh nghiệp được xác định ưu tiên hàng đầu, là vấn đề quan trọng nhất nhằm duy trì sự ổn định sản xuất, kinh doanh và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Song yêu cầu đặt ra vẫn là kiên trì, tiếp tục duy trì đà cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp với hiệu quả ngày càng cao.

Việc xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng đã góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Rõ tính hiệu quả 

Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy sự tiến bộ của hầu hết các địa phương; trong đó, đà cải cách được miêu tả là “tiếp diễn tích cực”. Điểm số trung bình của các địa phương đã đạt trên 60 thay vì trên 50 (thang điểm 100) cách đây 5 năm về trước, thể hiện rõ xu hướng, cũng như kết quả cải cách trên diện rộng.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp đã trở thành phong trào, lan tỏa rộng khắp. Doanh nghiệp đang được thụ hưởng nhiều hơn, nhanh hơn, tiết giảm được chi phí và thời gian từ những tiến bộ đó.

Đánh giá về cải cách thủ tục hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, cải cách hành chính được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11-2020, hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng 6.300 tỷ đồng/năm…

Kết quả cải thiện môi trường đầu tư cũng thể hiện qua thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 44.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 627,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% về số doanh nghiệp, tăng 41% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. Ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Sao Mộc Thiên (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân) cho biết, đơn vị mới thành lập đầu năm 2020 và nhận được sự hỗ trợ rất chu đáo của cơ quan chức năng để đi vào hoạt động sớm. Đây là thực tế rất đáng ghi nhận, thể hiện hiệu quả cải cách hành chính.

Diễn đàn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi (tháng 12-2020). Ảnh: Huy Thắng

Hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực

Tuy nhiên, “bức tranh cải cách” không chỉ toàn màu hồng. Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh - Góc nhìn từ doanh nghiệp” do VCCI công bố mới đây cho biết, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại so với những năm trước và đang có sự thay đổi ở các lĩnh vực, do những vấn đề dễ đã được làm trước, những vấn đề còn lại thường khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi sự kiên trì trong thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh. 

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Thị Hồng Minh, môi trường kinh doanh còn nhiều trở ngại như việc luật, điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp…

Còn Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thông tin, thực tế các điều kiện gia nhập thị trường đã giảm nhiều, song trong một số lĩnh vực yêu cầu đầu tư lớn, tình trạng rủi ro do biến động chính sách vẫn đáng ngại, cản trở doanh nghiệp đầu tư. “Cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ khó hơn nhiều bởi dư địa cho cải cách ngày càng hẹp, trong khi chất lượng môi trường kinh doanh đòi hỏi cao hơn”, ông Vũ Tiến Lộc nhận xét.

Liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, làm việc với một số bộ, ngành mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Tại Văn bản số 514/TTg-PL ngày 22-4, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội. Trong đó, cần xác định cụ thể nội dung điều, khoản, văn bản nào gây khó khăn, vướng mắc phải sửa đổi, bổ sung.

Đồng thời, tại Văn bản số 516/TTg-KSTT cùng ngày, Văn phòng Chính phủ được giao thiết lập cổng tham vấn điện tử lấy ý kiến tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp về những quy định không còn phù hợp, là rào cản gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh và phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định… Có thể nói đây là động thái tiếp tục tinh thần đổi mới, cải cách nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực nhất.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, đây là lúc cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi hơn, bình đẳng hơn, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp thực sự phát triển bền vững.

Tại Thông cáo báo chí số 02/TC-UBND về kết quả hội nghị giao ban trực tuyến tháng 4-2021 của UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu UBND thành phố ban hành chỉ thị về các biện pháp duy trì và nâng cao Chỉ số PCI, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để ứng phó với dịch Covid-19.

Các đơn vị thuộc thành phố cần tiếp tục công khai, minh bạch hóa thông tin, tiến tới doanh nghiệp chỉ phải thực hiện những nội dung mà các đơn vị đã công khai; hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến doanh nghiệp, người dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên trì cải thiện môi trường kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.