(HNM) - Đã một năm qua đi kể từ ngày Thủ đô triển khai thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội” (QTƯX).
Mục tiêu lớn đặt ra là tạo được sự chuyển biến tích cực, bền vững, để nếp sống văn hóa, chuẩn mực ứng xử trong công sở và nơi công cộng thấm sâu trong suy nghĩ của mỗi người, lan tỏa trong đời sống, qua đó chỉ dẫn hành động đúng, phù hợp chuẩn mực.
Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020” cũng như cơ quan quản lý văn hóa, có thể thấy việc triển khai thực hiện QTƯX đã thu được kết quả ban đầu, nhưng kết quả đó chưa rõ ràng, chưa được như yêu cầu đề ra, bởi vậy, cần xác định giải pháp khả thi cho giai đoạn tiếp theo. Mục tiêu lớn đặt ra là tạo được sự chuyển biến tích cực, bền vững, để nếp sống văn hóa, chuẩn mực ứng xử trong công sở và nơi công cộng thấm sâu trong suy nghĩ của mỗi người.
Một số nhiệm vụ, yêu cầu cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện QTƯX đã được xác định, trong đó nổi lên hai ý quan trọng, một là về định hướng xử lý hành vi trái với chuẩn mực, vi phạm các quy định được nêu trong QTƯX; thứ hai là nâng cao hiệu quả tuyên truyền về nội dung QTƯX và ý nghĩa của việc xây dựng lối sống, nếp sống, nếp ứng xử thanh lịch, văn minh.
Ngày 11-1-2018, tại hội nghị tổng kết việc thực hiện Chương trình 04-CTr/TU, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU đã nêu yêu cầu triển khai thí điểm chế tài xử phạt hành vi vi phạm QTƯX, đánh giá lại và đổi mới công tác tuyên truyền. Ngày 22-1-2018, chủ trì hội nghị lấy ý kiến về dự thảo kế hoạch tuyên truyền thực hiện QTƯX, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU yêu cầu tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện QTƯX, trước hết là với thanh niên, cán bộ công chức, khu dân cư; tích cực đổi mới để có hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng...
Định hướng về mặt giải pháp đã có, mục tiêu cơ bản đã định hình, vấn đề còn lại phụ thuộc vào cách thức triển khai thực hiện cụ thể, trách nhiệm công vụ của chính quyền các cấp, tâm thế nhập cuộc thực sự của các sở, ngành, tổ chức xã hội, cơ quan báo chí, truyền thông. Ở đây, cần phải xác định tâm thế nhập cuộc là rất quan trọng, bởi với Chương trình 04-CTr/TU cũng như cuộc vận động thực hiện QTƯX, nếu các bộ phận nhận trách nhiệm triển khai thực hiện hoặc tham gia vào phần việc này mà vào cuộc với thái độ hời hợt, thì không thể đạt mục tiêu lớn mà Chương trình 04-CTr/TU đề ra. Tâm thế nhập cuộc đúng đắn, rõ trách nhiệm đặc biệt quan trọng, cần được thể hiện rõ ràng, trước hết là ở người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các cán bộ, công chức, đảng viên.
Triển khai thực hiện QTƯX là một phần việc quan trọng trong khuôn khổ Chương trình 04-CTr/TU, hướng đến mục tiêu lớn, lâu dài là xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng. Đó là phần việc không có chỗ cho sự nóng vội, thiếu kiên trì, và càng không thể là một tâm thế vào cuộc thiếu trách nhiệm, đại khái. Bởi vậy, khi Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU đề ra yêu cầu nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, thí điểm triển khai chế tài xử phạt với hành vi không đúng chuẩn mực, trước hết là ở khu vực công sở với đối tượng chính là cán bộ, công chức, có thể tin rằng việc triển khai thực hiện QTƯX sẽ thu được kết quả lớn hơn trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.