Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc cầu Thượng Cát và các cầu khác trong hệ thống cầu vượt sông Hồng theo quy hoạch với sự tham gia của đông đảo các đơn vị tư vấn, kiến trúc hàng đầu Việt Nam và quốc tế sẽ góp phần kiến tạo những công trình đẹp, hiện đại, bền vững, mang dấu ấn riêng trên sông Hồng.
Đây cũng là những biểu tượng của Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình, thể hiện khát vọng vươn lên của Thủ đô…
Phương án kiến trúc đáp ứng đa mục tiêu
Nhằm tìm ra phương án khả thi, hiệu quả nhất để xây dựng cầu Thượng Cát vượt sông Hồng nối quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh, UBND thành phố Hà Nội đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi tuyển phương án kiến trúc.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, có 4 đơn vị tham gia dự thi với 7 phương án thiết kế. Qua các vòng chấm thi, Hội đồng thi tuyển đã quyết định trao giải Nhất cho phương án mã số TC-03 do liên danh Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) và Công ty cổ phần Kiến trúc Lập Phương thiết kế; giải Nhì được trao cho phương án mã số TC-05 do liên danh Công ty TNHH Tư vấn đại học xây dựng và Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam và Văn phòng tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng thiết kế; giải Ba được trao cho phương án mã số TC-02 do Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cầu lớn - hầm thiết kế.
Mỗi phương án đều có những điểm nhấn quan trọng về kiến trúc và công nghệ, qua đó thuyết phục được Hội đồng thi tuyển. Như phương án TC-03 mang tên “Cánh chim hòa bình” (phương án đoạt giải Nhất) có cầu chính gồm 4 nhịp sử dụng kết cấu dây văng, trụ cầu thiết kế vuốt cong nhẹ sang hai bên thành cầu theo hình dáng một cánh chim vươn cao thể hiện được tinh thần Thủ đô. Thiết kế cầu được lấy từ những cánh chim trong câu tục ngữ “Đất lành chim đậu”, vừa hài hòa ẩn mình trong hệ sinh thái phong phú của sông Hồng, vừa mang tính biểu tượng toàn cầu. Hà Nội luôn phấn đấu để trở thành một thành phố thân thiện, hiếu khách và đề cao hòa bình. Chính vì thế, hình tượng những cánh chim hòa bình nối tiếp nhau trở thành hình tượng lớn đại diện cho cả định hướng phát triển lâu dài của thành phố.
Cũng xuất phát từ ý tưởng cây cầu phải mang biểu tượng về một “Thành phố Vì hòa bình", phương án có mã số TC-02 mang tên “Trái tim hòa bình” (giải Ba) có cầu chính sử dụng kết cấu vòm thép với 6 nhịp. Ở phương án này, cây cầu chính nhìn từ chính diện mặt sông như phần nổi lên mặt nước của một trái tim với màu trắng của cánh chim hòa bình in trên nền trời xanh. Hình ảnh cây cầu, ngoài gợi nhớ đến phần nổi của trái tim, ở rất nhiều góc nhìn khác nhau, người xem sẽ liên tưởng đến một con chim trắng đang dang cánh lượn bay trên bầu trời. Hình ảnh này gợi lên sự bình yên của một điểm đến an toàn, đáng sống cho mọi người. Kiến trúc cầu truyền đi một thông điệp hòa bình mạnh mẽ đến người xem, thể hiện khát vọng hòa bình của Thủ đô Hà Nội và cả dân tộc Việt Nam.
Với phương án có mã số TC-05 mang tên “Cất cánh” (giải Nhì), nhóm tác giả lựa chọn hình ảnh cây cầu đang lấy đà cất cánh, vươn lên mạnh mẽ từ điểm tựa tự nhiên, lịch sử, văn hóa là dòng sông Hồng, với kết cấu dàn thép công nghệ hiện đại, cao độ thay đổi tạo nên nhịp điệu chuyển động khi di chuyển trên cầu. Nhóm thiết kế hình ảnh cầu mang dáng dấp một đôi cánh khổng lồ bay vụt lên từ dòng sông Hồng đỏ phù sa, sẽ trở thành một dấu ấn thời đại của thành phố Hà Nội.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển cho biết, cuộc thi có sức hút với các nhà tư vấn hàng đầu của Việt Nam và quốc tế. 7 phương án trình bày tại hội đồng đều có chất lượng cao. Hội đồng với 15 chuyên gia của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kiến trúc, kết cấu cầu đường đã làm việc kỹ lưỡng, cẩn trọng và công minh. Các tác phẩm được lựa chọn trao giải đều rất chất lượng, bảo đảm các tiêu chí. Thứ nhất, kết cấu hiện đại và thông dụng nhất trong các dạng thiết kế cầu hiện nay trên thế giới. Thứ hai, phương án thiết kế có sức sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại. Thứ ba, các phương án đoạt giải phù hợp với tổng kinh phí đầu tư được phê duyệt, khi xây dựng, vừa đáp ứng yêu cầu về giao thông đường bộ, đường sông.
Mong muốn tạo những dấu ấn cho Thủ đô
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát qua sông Hồng trên tuyến đường Vành đai 3,5 nằm trong quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt, nối thông toàn tuyến đường Vành đai 3,5 từ phía Nam lên phía Bắc sông Hồng; mở thêm đường kết nối phía Tây, Tây Nam Thủ đô giữa các quận, huyện phía Bắc và Nam sông Hồng...
Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu sẽ được khởi công vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-2024. Do đó, việc tổ chức cuộc thi tuyển phương án kiến trúc cầu Thượng Cát là một bước rất quan trọng trong quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng, nhằm tìm kiếm một phương án kiến trúc đẹp, bền vững, thân thiện với môi trường, phù hợp với quy hoạch, hài hòa với cảnh quan xung quanh; có giải pháp kết nối giao thông hợp lý, khoa học, hiệu quả trong đầu tư, vận hành và bảo trì. Các phương án đoạt giải đều thể hiện khát vọng vươn lên của Thủ đô.
Tổng Giám đốc TEDI Phạm Hữu Sơn cho biết, tác phẩm “Cánh chim hòa bình” là sản phẩm dự thi. Để khả thi, nhóm tư vấn sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan của Hà Nội tiếp tục hoàn thiện phương án để trình UBND thành phố. Mỗi công trình luôn đòi hỏi giữa nhà kiến trúc với đội ngũ làm kỹ thuật phải có sự phối hợp chặt chẽ. Công trình kiến trúc nếu không xử lý tốt vấn đề kỹ thuật sẽ tiềm ẩn những rủi ro trong quá trình thi công và khai thác sau này.
“Chúng tôi mong muốn mỗi công trình sẽ có một dấu ấn, đặc thù riêng. Cầu Thượng Cát cũng vậy, phải trở thành một trong những dấu ấn của Thủ đô trên đường phát triển. Chúng tôi cũng cam kết bảo đảm giá thành và hiệu quả công trình. Công nghệ thi công phải hiện đại nhất, kinh tế nhất, bảo đảm chủ động tiến độ thi công cũng như các yêu cầu về thẩm mỹ. Lực lượng tư vấn và nhà thầu trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được”, ông Phạm Hữu Sơn khẳng định.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn thành phố sẽ xây dựng thêm 10 cây cầu vượt sông Hồng. Ngoài cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vừa khánh thành, các cây cầu còn lại gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên, Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn chia sẻ, hình thái kiến trúc cầu Thượng Cát mang hình ảnh cánh chim hòa bình, thể hiện khát vọng vươn lên của Thủ đô. Trong tương lai không xa, cầu Thượng Cát kết hợp với cầu Nhật Tân và cầu Tứ Liên thành bộ 3 rất có ý nghĩa. Nếu như cầu Thượng Cát thể hiện sự vươn lên, chào đón tất cả đến với Hà Nội thì cầu Nhật Tân là biểu tượng của 5 cửa ô. Cầu Tứ Liên thể hiện tinh thần đoàn kết. Kết hợp bộ 3 này vào sẽ tạo nên một nhịp điệu mới của hệ thống cầu của Thủ đô. Hà Nội sẽ là thành phố của những chiếc cầu. Cùng với nội lực, những nét văn hóa, văn hiến khác, việc có thêm những cây cầu đẹp, hiện đại, có bản sắc sẽ làm cho Hà Nội thực sự là một thành phố hấp dẫn, xứng đáng với vị thế Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.