Thu thuế từ thương mại điện tử tăng vọt trong tháng 2-2025 đạt 2.791 tỷ đồng, tương đương 32% tổng thu năm 2024, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và công tác quản lý thuế hiệu quả. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, đặc biệt khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay.
Với tốc độ tăng này, dự báo số thu từ thương mại điện tử cả năm 2025 có thể vượt xa năm 2024, tạo thêm nguồn lực cho đầu tư công, phúc lợi xã hội và phát triển hạ tầng. Thương mại điện tử là một trong những nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ. Việc có 130 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký khai và nộp thuế chỉ trong một tháng cho thấy sự cải thiện trong cơ chế quản lý thuế, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong thu thuế xuyên biên giới.
Để có được tăng trưởng đột biến như trên phải kể đến sự gia tăng mạnh mẽ giao dịch trực tuyến. Người tiêu dùng ngày càng chuyển sang mua sắm trực tuyến (online), đặc biệt trên các nền tảng như Shopee, Lazada, TikTok Shop, Facebook, Google… Bên cạnh đó là sự bùng nổ các nền tảng số xuyên biên giới. Các dịch vụ như Netflix, Spotify, Google Ads, Facebook Ads có lượng khách hàng lớn tại Việt Nam, giúp tăng nguồn thu thuế.
Ngoài ra, các chính sách thuế ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn, việc kê khai và nộp thuế trực tuyến thuận tiện hơn giúp tăng tỷ lệ tuân thủ của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Trong nước, các cá nhân, doanh nghiệp bán hàng online có doanh thu lớn được giám sát kỹ hơn... Chính phủ cũng đã xử lý nghiêm những trường hợp trốn thuế, tạo hiệu ứng răn đe. Từ đó, ý thức tuân thủ thuế được nâng cao, doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về nghĩa vụ thuế, nhiều công ty, cá nhân chủ động kê khai và nộp thuế.
Về lâu dài, để tăng cường hơn nữa công tác thu thuế thương mại điện tử, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như xây dựng cơ chế thu thuế phù hợp với nền kinh tế số: Ban hành các quy định rõ ràng về thuế đối với các nền tảng số, giao dịch xuyên biên giới và mô hình kinh doanh mới. Áp dụng mức thuế hợp lý, tránh đánh thuế quá cao gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm nguồn thu ngân sách.
Ngoài ra, cần nâng cao năng lực quản lý và giám sát, cụ thể là tích hợp dữ liệu từ các nền tảng thương mại điện tử, kết nối dữ liệu từ Shopee, Lazada, TikTok Shop, Facebook, Google, YouTube… với hệ thống của cơ quan thuế để giám sát dòng tiền và giao dịch. Yêu cầu sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin doanh thu của các nhà bán hàng, từ đó xác định nghĩa vụ thuế đối với từng cá nhân, doanh nghiệp; phối hợp với ngân hàng để kiểm soát doanh thu từ thương mại điện tử, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới.
Đối với các nhà cung cấp nước ngoài, cơ quan thuế cần tiếp tục yêu cầu các nền tảng quốc tế đăng ký nộp thuế tại Việt Nam. Các công ty như Google, Facebook, Amazon, Apple, Netflix… cần có mã số thuế và thực hiện kê khai, nộp thuế đầy đủ; siết chặt quản lý thuế với cá nhân bán hàng online có doanh thu lớn; tăng cường giám sát cá nhân kinh doanh trên nền tảng số.
Một giải pháp quan trọng là tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ vào quản lý thuế. Cơ quan thuế cần yêu cầu các sàn thương mại điện tử cung cấp đầy đủ dữ liệu doanh thu của người bán, giúp xác định nghĩa vụ thuế chính xác hơn. Đồng thời, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Big Data giúp phát hiện hiệu quả các vi phạm thuế, tự động phát hiện các giao dịch lớn chưa kê khai từ đó xử lý kịp thời; ứng dụng hóa đơn điện tử bắt buộc trên sàn thương mại điện tử giúp minh bạch doanh thu và tăng khả năng thu thuế.
Cơ quan thuế cũng cần tiếp tục có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể như đơn giản hóa quy trình kê khai và nộp thuế, tạo điều kiện thuận lợi để cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuyên truyền giúp các cá nhân và doanh nghiệp hiểu, nộp thuế là nghĩa vụ pháp lý và trách nhiệm công dân đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp thu thuế từ thương mại điện tử tăng trưởng bền vững, bảo đảm công bằng trong kinh doanh và thúc đẩy nền kinh tế số phát triển, tạo thêm nguồn lực cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.