(HNM) - Ngày 26-6, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và các Phó Bí thư, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã họp giao ban quý II-2012 với lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.
Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) tái phát một cách trầm trọng về cả quy mô và tính chất đã làm "nóng" không khí cuộc họp. Nhưng gây bức xúc hơn cả lại là dường như có sự "tiếp tay" của công chức cho những sai phạm ngang nhiên này.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Bá Hoạt |
Vi phạm TTXD trầm trọng cả về quy mô và tính chất
Năm 2006 và 2007, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã chỉ đạo xử lý nghiêm khắc hàng loạt công trình không phép, sai phép trên địa bàn, góp phần răn đe, lập lại TTXD. Tuy nhiên, sau một thời gian, tình hình vi phạm đã tái phát nghiêm trọng. Sở Xây dựng cho biết, từ ngày 1-1-2010 đến nay, đã phát hiện 1.700 trường hợp vi phạm trên địa bàn TP, trong đó, có 1.104 trường hợp vi phạm "kép", lấn chiếm đất đai để xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công; 490 trường hợp xây dựng không phép; 100 trường hợp xây dựng sai phép; chỉ có 6 trường hợp xây dựng gây lún nứt, ảnh hưởng đến công trình liền kề và môi trường xung quanh. Điều đáng nói là sau một thời gian dài, đến nay, vẫn còn đến gần 800 trường hợp vi phạm chưa được xử lý.
Theo Sở Xây dựng, Quốc Oai, Sóc Sơn, Từ Liêm là 3 huyện được phát hiện có số trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất công nhiều nhất, lần lượt là 382, 296 và 170 trường hợp. Tuy nhiên, mặc dù ít công trình vi phạm hơn, nhưng tại các quận nội thành, tính chất vi phạm của nhiều công trình xây dựng lại hết sức nghiêm trọng. Mới nhất là 8 công trình vi phạm tại phố Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng). Ở vào nơi chỉ cách trụ sở UBND quận và trụ sở Sở Xây dựng chưa đầy 1km, hàng loạt công trình sai phép, không phép mọc lên một cách ngang nhiên là điều khó có thể chấp nhận về mặt quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, mức độ vi phạm của nhiều công trình có diện tích lên tới hàng nghìn mét vuông. Ở vị trí đắc địa, mỗi mét vuông trị giá theo thị trường tới 2 - 3.000 USD. Chủ đầu tư chỉ cần dùng một phần số lợi nhuận đó để "chạy" thì rất dễ "mất" cán bộ. Trong đó, công trình ở số 19 Bùi Thị Xuân của Công ty Kim khí màu Bắc Hà theo giấy phép được xây 9 tầng, đã tự ý xây lên 12 tầng, diện tích vi phạm là 1.057m2; Công trình tại số 135-137 Bùi Thị Xuân có giấy phép được xây cao 10 tầng, nhưng đã xây dựng lên 14 tầng, diện tích vi phạm lên tới 1.800m2…
Các cơ quan chính quyền "chụm" vào hợp thức hóa sai phạm
|
Nguồn lợi quá lớn nên việc dư luận nghi ngờ về sự "tiếp tay" của một số cán bộ, công chức liên quan cho sự tồn tại của các công trình vi phạm là lẽ đương nhiên. Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Trần Trọng Dực đã phân tích chi tiết vụ vi phạm tại số 55A, 55B, 55D phố Bà Triệu để đi đến kết luận: "Thanh tra xây dựng từ TP đến cơ sở đã buông lỏng quản lý, có động thái tiếp tay cho sai phạm". Chủ đầu tư công trình số 55A, 55B, 55D phố Bà Triệu xin cấp phép xây dựng cao 9 tầng, nhưng đã xây lên 14 tầng. Theo Chủ nhiệm UBKT Thành ủy, khâu cấp giấy phép cho công trình này của Sở Xây dựng đã có nhiều sai phạm, như tòa nhà không có khoảng lùi, không bảo đảm chiều cao, vi phạm chỉ giới đường đỏ. Sở Xây dựng cũng không chấp hành chỉ đạo của Chính phủ và quy định của UBND TP về việc dừng phá dỡ biệt thự và không cho phép xây nhà cao tầng trong nội đô. Những việc này đã giúp làm lợi cho chủ đầu tư. Trong khi sai phạm chưa được xử lý, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại còn kiến nghị TP cho phép điều chỉnh giấy phép xây dựng để mở rộng công trình làm bảo tàng tư nhân. Phân tích của Chủ nhiệm UBKT còn cho thấy sự làm ngơ một cách hết sức bất thường của UBND phường Hàng Bài trước vi phạm tại công trình này.
Thừa nhận trách nhiệm trong vụ việc nêu trên, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng khẳng định sẽ xử lý trách nhiệm cán bộ liên quan trong tháng 7 tới. Ông cũng nhận định thêm rằng: "Bộ máy quản lý TTXD đã bộc lộ rất nhiều yếu kém. Chất lượng của lực lượng này là chưa bảo đảm cả về chuyên môn, trách nhiệm công vụ, ý thức chính trị và đạo đức nghề nghiệp, nên cần phải có biện pháp cấp bách để kiện toàn, nâng cao trách nhiệm". Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện cũng cam kết sẽ xử lý nghiêm các vi phạm của cán bộ liên quan đến vụ việc tại số 55A, 55B, 55D phố Bà Triệu; đồng thời tháo dỡ phần vi phạm của công trình theo chỉ đạo của TP.
Qua phản ánh của Báo Hànộimới, những sai phạm trong công tác quản lý trật tự xây dựng tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (ảnh trên) và số nhà 55A - 55B - 55D phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm hiện đang được thành phố quyết liệt chỉ đạo xử lý. |
Tập trung cao độ chấm dứt tình trạng vi phạm TTXD
Khẳng định vi phạm tại số 55A, 55B, 55D phố Bà Triệu là tiêu biểu cho tình trạng trật tự xây dựng hiện nay, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, để xảy ra như vậy, nguyên nhân chủ quan là chính. Trong đó, lực lượng cán bộ quản lý trực tiếp đã buông lỏng, nể nang, né tránh, dung túng, thậm chí cố ý sai phạm. Để giải quyết tình trạng trên, trước hết Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Xây dựng chủ động đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các chủ công trình xin cấp phép. Trong đó, phải tăng cường trách nhiệm trong thực hiện "một cửa liên thông", nhất là các sở không được bắt dân làm thay việc của mình. Chủ tịch giao cho Sở Xây dựng mở trang thông tin riêng để công khai quy hoạch, thiết kế xây dựng, quy chế, quy chuẩn xây dựng giúp người dân vừa nắm bắt thông tin về cấp phép xây dựng vừa giám sát việc thực hiện. Chủ tịch cũng lưu ý Sở Xây dựng nghiên cứu về quy chuẩn xây dựng để kiến nghị với Bộ Xây dựng thay đổi một số quy chuẩn cho phù hợp.
Nhấn mạnh cần phải tập trung cao độ nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng vi phạm TTXD tái phát nghiêm trọng hiện nay, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chính thức giao nhiệm vụ cho chủ tịch UBND 29 quận, huyện, thị xã thành lập các đoàn thanh tra để kiểm tra toàn diện tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn quản lý. Nhiệm vụ này phải tập trung hoàn thành trong quý III năm nay. Chủ tịch nhấn mạnh, đây là cơ sở bình xét thi đua cuối năm đối với tập thể, cá nhân các cấp ủy, chính quyền. Ban cán sự Đảng UBND TP đã đề nghị Thành ủy có cơ chế khen thưởng, động viên cán bộ làm tốt công tác này, nhưng nếu cán bộ không hoàn thành sẽ bị xử lý nghiêm. Luật Quy hoạch đã ghi rất rõ trách nhiệm quản lý quy hoạch là Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm quản lý xây dựng theo giấy phép cấp trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận chịu trách nhiệm trên địa bàn quận và Chủ tịch UBND TP chịu trách nhiệm trên địa bàn TP. Vì vậy, cùng với TP, lãnh đạo các địa phương phải nâng cao trách nhiệm và vào cuộc quyết liệt.
Xử lý kiên quyết cả chủ đầu tư và cán bộ, công chức sai phạm
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, người vi phạm TTXD đã sai, song cơ quan tham mưu cũng có khuyết điểm. Trong một số vụ việc, chủ đầu tư còn "dẫn đường" cho cơ quan quản lý làm sai: Sai phạm tại 55A Bà Triệu thậm chí còn có sự can thiệp từ thanh tra Bộ Xây dựng. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, phải tập trung xử lý cả chủ đầu tư và công chức có liên quan. Bí thư Thành ủy biểu dương những đóng góp của báo chí khi đã phát hiện, đấu tranh kiên quyết với các vi phạm TTXD trong thời gian qua. Bí thư phân tích nguồn lợi từ vi phạm TTXD là rất lớn, nên chủ đầu tư chỉ cần dùng 30% để "chạy", thì sẽ làm hư hỏng cán bộ. Nên cùng với các biện pháp nghiêm khắc xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, TP sẽ huy động nhiều lực lượng cùng tham gia giám sát công tác quản lý TTXD, trong đó có báo chí, các đoàn thể nhân dân… Bí thư Thành ủy cho biết, trong đợt luân chuyển 23 cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý vừa qua, đã có một số trường hợp được quyết định dựa trên cơ sở đánh giá về năng lực quản lý TTXD. Trong thời gian tới, việc luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ cũng sẽ căn cứ vào việc hoàn thành nhiệm vụ này ra sao. Nếu hoàn thành tốt sẽ được bổ nhiệm ở vị trí cao hơn, nhưng ngược lại sẽ phải được điều chuyển đi làm việc ở vị trí thấp hơn cho phù hợp với năng lực.
Như vậy là Hà Nội đã chính thức mở đợt cao điểm tập trung xử lý vi phạm về TTXD. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị kêu gọi các ngành, các cấp từ thành phố xuống cơ sở ra quân đồng bộ, chặt chẽ xử lý quyết liệt, triệt để các trường hợp vi phạm TTXD, tạo ra sự chuyển biến rõ nét về quản lý đô thị trên địa bàn Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.