Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ

Nhóm phóng viên| 23/07/2022 07:00

(HNM) - Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 4358/VPCP-CN (ngày 13-7-2022) yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần đẩy nhanh tiến độ khắc phục những tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề quy hoạch “treo”, dự án “treo”, không để ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Hiện, các sở, ngành, các địa phương của thành phố Hà Nội đang vào cuộc khẩn trương, trên tinh thần sẽ kiên quyết thu hồi những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng dự án “treo”.

Không ít dự án khu đô thị tại huyện Mê Linh nhiều năm chưa triển khai. Ảnh: Hà Phong

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn:
Xử lý nghiêm chủ đầu tư chây ỳ, không chấp hành quyết định xử lý

Để thiết lập kỷ cương trong công tác quản lý dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao giám sát, đánh giá đầu tư; tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai. Kiên quyết thu hồi dự án sử dụng đất kém hiệu quả nhằm tạo môi trường đầu tư, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong những tháng đầu năm 2022, thành phố đang tập trung hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra để phân loại, đề xuất xử lý theo các nhóm dự án vi phạm; xử lý dứt điểm đối với vi phạm đã đủ căn cứ. Đến hết quý IV-2022, tập trung xử lý nghiêm dự án chây ỳ, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm. Đối với dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đất đai, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra 404 dự án. Trong đó, 96 dự án với diện tích 290,9ha đất, sau thanh tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục tồn tại, đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai. 

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ:
Tăng cường quản lý trong nhận chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Thời gian qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo xử lý dứt điểm việc sử dụng đất sai mục đích. Các cơ quan đã tập trung rà soát hệ thống tổ chức, bộ máy, cơ chế phối hợp, công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của các cấp quản lý để củng cố, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, không để khoảng trống trong công tác quản lý đất đai. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nhà nước đối với trường hợp nhận chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, hướng tới mặt bằng cơ chế, chính sách thống nhất, nhất quán; khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển mô hình nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng:
Đẩy mạnh việc giám sát chủ đầu tư thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra

Để bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khả thi, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, quận Thanh Xuân đã huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể tập trung thực hiện tốt quản lý đất đai. Chính quyền từ quận đến phường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng. Xử lý dứt điểm tình trạng dự án sử dụng đất chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích. Giải quyết đúng quy định các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện về đất đai ngay tại cơ sở, nhất là vụ việc tồn đọng, kéo dài; hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, môi trường đầu tư.

Ông Đỗ Việt Hưng, phường Cống Vị, quận Ba Đình:
Tuyệt đối không để các chủ đầu tư hợp thức hóa việc giữ đất

Quy hoạch “treo” là sản phẩm của việc phát triển đô thị ồ ạt nhưng thiếu tầm nhìn. Nhiều dự án được lập ra 10 năm, 20 năm thậm chí lâu hơn nhưng không được triển khai thực hiện, gây ra rất nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn cho người dân; gây nhếch nhác bộ mặt đô thị, trong khi Nhà nước thì thất thu ngân sách. Điều đáng nói, quy định pháp luật đã có sẵn và rất đầy đủ, chính quyền các địa phương cần rà soát quy hoạch để kịp thời kiến nghị điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; tuyệt đối không để các chủ đầu tư hợp thức hóa việc giữ đất bằng cách gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Bà Đào Thu Huế, phường Quảng An, quận Tây Hồ:
Mạnh tay xử lý các dự án “treo” hơn nữa

Ở Hà Nội vẫn còn nhiều quy hoạch “treo”, trong đó không ít quy hoạch bị “treo” đến cả chục năm trời. Nhiều khu đất “vàng” chậm tiến độ triển khai nhưng lại được chính quyền, cơ quan quản lý “tạo điều kiện” bằng cách cho chủ đầu tư thành lập bãi trông giữ xe ô tô, kinh doanh gara sửa chữa kiêm bán xe ô tô, kinh doanh quán bia, nhà hàng… khiến dư luận rất bức xúc. Quy định pháp luật đã đầy đủ, nên chính quyền, cơ quan quản lý cần mạnh tay xử lý hơn, không để các dự án “treo” tiếp tục tồn tại dưới nhiều hình thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.