(HNM) - Theo kết quả điều tra ban đầu, việc làm khống phiếu xét nghiệm máu của một số cá nhân trong Khoa Xét nghiệm BV Đa khoa Hoài Đức) là để thanh toán tiền BHYT chuyển về tài khoản BV
Tính đến ngày 9-8, CSĐT CATP đã thu giữ phục vụ điều tra 66 quyển sổ theo dõi kết quả xét nghiệm, 33 quyển sổ theo dõi khám chữa bệnh, 41 hồ sơ bệnh án, 52 phiếu xét nghiệm huyết học, 1 phiếu xét nghiệm nước tiểu có đính kèm kết quả xét nghiệm có ngày và tháng, 10 bản photo phiếu xét nghiệm huyết học, 446 phiếu ghi kết quả xét nghiệm huyết học và lời khai của những người có liên quan. Trên cơ sở các tài liệu thu thập được, CSĐT bước đầu xác định, từ tháng 7-2012 đến tháng 5-2013, Khoa Xét nghiệm, (BV Hoài Đức) cấp phát 2.237 phiếu xét nghiệm cho bệnh nhân, trong đó có 1.149 phiếu xét nghiệm huyết học trùng nhau. Cụ thể, gồm có 10 phiếu xét nghiệm mỗi phiếu có kết quả trùng với 3 người khác (tương đương 30 phiếu xét nghiệm khống), 41 phiếu xét nghiệm có kết quả trùng với 2 người khác (tương đương 82 phiếu xét nghiệm khống), 1.037 phiếu xét nghiệm mỗi phiếu có kết quả trùng với 1 người khác (tương đương 1.037 phiếu xét nghiệm khống).
Bệnh nhân đang chờ nhận kết quả xét nghiệm tại bàn trả kết quả của Khoa Xét nghiệm, BV Đa khoa Hoài Đức. |
Các phiếu trên đều xét nghiệm huyết học cho các bệnh nhân ngoại trú là những người có bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm mục đích thanh toán tiền BHYT chuyển về BV, sau đó chuyển về cho các khoa và các cá nhân. CSĐT phát hiện, các chứng từ thanh toán viện phí đã được chuyển khoản vào tài khoản của BV Đa khoa Hoài Đức, sau đó được chuyển về cho một số khoa. Riêng đối với việc tiền chuyển cho các cá nhân, CSĐT vẫn tiếp tục làm rõ. Trên cơ sở những tài liệu hiện có, tổng số tiền mà BV Đa khoa Hoài Đức đã nhận để thanh toán cho 1.149 phiếu xét nghiệm huyết học trùng nhau là trên 60 triệu đồng.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, căn cứ vào tài liệu điều tra, CSĐT xác định đơn tố giác BV Đa khoa Hoài Đức in kết quả xét nghiệm huyết học khống để thanh toán tiền BHYT của chị Hoàng Thị Nguyệt, anh Phan Nam Đông và chị Khuất Thị Định là đúng. Đặc biệt, CSĐT xác định có lời khai của các kỹ thuật viên làm xét nghiệm khai về việc các kỹ thuật viên lấy mẫu máu, nước tiểu… chuyển cho bộ phận làm xét nghiệm, nhưng bộ phận xét nghiệm bỏ đi. Bước đầu, CSĐT xác định việc làm kết quả xét nghiệm khống chỉ nhằm mục đích thanh toán tiền BHYT và quyết toán tiền chi phí, nhân công, hóa chất… sử dụng cho việc xét nghiệm.
Hiện nay, CQCSĐT đang khẩn trương thu thập các tài liệu làm rõ trách nhiệm cá nhân của giám đốc, kế toán và các cán bộ, KTV có liên quan đến quá trình thanh quyết toán tiền BHYT để xác định rõ trách nhiệm cá nhân làm cơ sở để sớm khởi tố bị can đối với các cá nhân có vi phạm. |
Dùng mọi thủ đoạn để trục lợi
Như Hànộimới đã phản ánh ở những bài báo trước, ông Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc BV Đa khoa Hoài Đức đã cố tình chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm trái 12 điều y đức, cố tình liên kết đặt máy để trục lợi. Thế nhưng, như thế vẫn chưa hết. Ông Liêm còn có nhiều sai phạm trong tuyển dụng, sử dụng viên chức, nhân viên hợp đồng, đưa những người có họ hàng với ông vào "canh" những "chốt" quan trọng để ông dễ bề thao túng. Ngoài trường hợp bà Doãn Thị Thanh Xuân (con chị gái ruột ông Liêm) đã được nhắc đến ở bài trước, ông Liêm còn bố trí bà Trần Thị Dung, cháu gọi bà Khánh Thị Nhi (vợ ông Liêm) là dì ruột, được tuyển vào BV năm 2011 theo hợp đồng 68, làm kế toán. Ông Liêm còn thu xếp để bà Chí Thị Phương cũng là họ hàng nhà ông Liêm, được tuyển vào theo hợp đồng 68 về làm văn thư ngay trong năm 2013.
Không những thế, ông Liêm còn nổi tiếng là người độc đoán, chuyên quyền. Trong đơn tố cáo của một số cán bộ, viên chức BV Đa khoa Hoài Đức có nội dung tố cáo ông Liêm mắc sai phạm trong công tác quản lý BV, thể hiện tính độc tài, thiếu dân chủ khiến đời sống cán bộ, viên chức đi xuống và gây chia rẽ nội bộ. Chiều 9-8, chúng tôi đã tìm hiểu, xác minh qua nhiều kênh thông tin và thấy nội dung tố cáo này mới chỉ phản ánh một phần sự thật. Ông Liêm có nhiều hành vi biểu hiện sự trù dập những người có chuyên môn vững và có chính kiến trong các cuộc họp. Không ít cán bộ, nhân viên của BV này đã nhận được những tin nhắn từ những số máy lạ có nội dung hăm dọa từ trước cả khi có đơn tố cáo.
Nỗ lực khắc phục hậu quả
Đầu giờ chiều 9-8, có mặt tại BV Đa khoa Hoài Đức, chúng tôi chứng kiến sự bận bịu của 7 cán bộ (2 bác sĩ, 5 kỹ thuật viên) thuộc 3 bệnh viện gồm: Xanh Pôn, Đống Đa, Hà Đông mới được tăng cường đến làm việc tại Khoa Xét nghiệm của BV này kể từ ngày 8-8. BS Đỗ Thị Hằng vốn là Phó Trưởng khoa Sinh hóa (BV Xanh Pôn), mới nhận nhiệm vụ là Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Xét nghiệm, cho biết bà cùng với đoàn vào khảo sát thực tế từ ngày 6-8. BS Hằng định sáng 7-8 vào nhận nhiệm vụ nhưng lại nhận được chỉ đạo của Sở sẽ cử hẳn một kíp làm việc vào tăng cường. Sáng 8-8, BS Hằng cùng 6 người thuộc kíp tăng cường có mặt tại BV Đa khoa Hoài Đức để nhận quyết định biệt phái và bắt tay vào việc luôn. Hầu hết BS, KTV tăng cường cho BV Hoài Đức đợt này đều ở xa như quận Long Biên, Tây Hồ, Hà Đông… nhưng họ không quản khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ mới được giao.
Trong khi bệnh nhân đến khám đông, các BS và KTV đang vừa làm xét nghiệm vừa làm quen với guồng công việc mới, thì máy xét nghiệm sinh hóa bán tự động (Ebachem 7) lại lăn ra hỏng từ sáng 9-8. Đây là một trong ba máy mà BV Đa khoa Hoài Đức mượn lại từ Công ty TNHH XNK Thiết bị y tế An Bình thông qua "môi giới" của Chi nhánh Đông dược vật tư y tế thuộc Công ty cổ phần Dược Hà Tây (Hataphar). BS Hằng kể lại, sáng 9-8, khi máy bị hỏng bất ngờ, chị lập tức tìm số điện thoại gọi người đến sửa ngay để có máy làm xét nghiệm. BS Hằng nhận định, máy bị hỏng có thể là do phòng đặt máy ẩm, không có máy hút ẩm, còn điều hòa lại yếu. Người sửa chiếc máy này vào chiều 9-8 cho biết, anh là nhân viên Công ty An Bình và chiếc máy bị hỏng là do dùng nhiều trong điều kiện trời ẩm nên bị mô-ve nguồn. Anh này khẳng định, chỉ cần làm sạch điểm tiếp xúc nguồn là máy chạy được. Khi chúng tôi ra về, BS Hằng vẫn đang loay hoay hiệu chỉnh lại máy.
Trong khi chiếc máy chưa được sửa, phía ngoài phòng xét nghiệm, số bệnh nhân chờ lấy kết quả xét nghiệm khá đông. Ông Nguyễn Đăng Tuân, cựu chiến binh, đang sống tại xã Lại Yên (huyện Hoài Đức), tỏ vẻ bức xúc vì ông phải chờ kết quả xét nghiệm từ sáng. "Tôi đến khám sức khỏe định kỳ từ sớm. Người ta hẹn là sau 10h lấy kết quả mà đến giờ đã là hai rưỡi chiều vẫn chưa thấy đâu" - ông Tuân nói.
Để xứng đáng với mấy chữ "Lương y như từ mẫu", các y bác sĩ, dược sĩ, lương y, cán bộ dân số, nhân viên y tế thôn, bản… trên khắp mọi miền đất nước đang ngày đêm thầm lặng cống hiến công sức, thậm chí là máu và tính mạng của mình để chăm sóc sức khỏe, cứu chữa bệnh nhân. Chuyện xảy ra ở BV Hoài Đức chỉ là hiện tượng cá biệt, chuyện những "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng lại khiến tất cả những người làm ngành y phải đau lòng và sự tổn hại về uy tín về đạo đức nghề nghiệp là không thể đong đếm được.
Những ngày qua, lãnh đạo thành phố, Sở Y tế đã chỉ đạo và có nhiều biện pháp để sớm ổn định mọi hoạt động của BV Đa khoa Hoài Đức. Nhưng rõ ràng, việc khắc phục hậu quả những tổn thương về uy tín do một vài "con sâu" ở BV Đa khoa Hoài Đức gây ra, lấy lại lòng tin của người bệnh và uy tín của ngành y tế không phải là việc một sớm một chiều.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.