(HNMO) - Ngày 14-3, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng đã kiểm tra 13 bộ, cơ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc kiểm tra. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo thống kê, tính đến ngày 13-3, Thanh tra Chính phủ và các bộ: Công an, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học - Công nghệ, Giáo dục - Đào tạo, Tài nguyên - Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Giao thông - Vận tải đã hoàn thành việc ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết 01. Trong số các nhiệm vụ phải làm xong trong quý I, 1 nghị quyết của Chính phủ thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 1 quyết định của Thủ tướng thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành, các bộ khác còn một số nhiệm vụ chưa hoàn thành.
Về Nghị quyết 02, đã có 11 bộ, cơ quan ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện; 6 bộ, cơ quan đã lồng ghép kế hoạch cải thiện các chỉ số trong kế hoạch tổ chức thực hiện; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành tài liệu hướng dẫn với 2 bộ chỉ số.
Tại buổi làm việc, đồng chí Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, các bộ còn nợ nhiều nhiệm vụ, đồng thời truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiên quyết cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục quản lý chung chung, vô tình tạo khoảng trống cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu. Do đó, các cơ quan, bộ, ngành cần tiếp tục rà soát thể chế lĩnh vực mình phụ trách, tránh cắt giảm hình thức, đùn đẩy trách nhiệm. Chính phủ cho phép thí điểm với những vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi nhưng chưa kịp sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hoặc chưa có quy định của pháp luật. Các bộ, ngành cũng cần chủ động thông tin các nội dung còn có ý kiến khác nhau và Văn phòng Chính phủ sẽ là “trọng tài” phối hợp, hỗ trợ để tạo sự thống nhất, đồng bộ.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thời gian qua, có rất nhiều văn bản, đề xuất thu hút sự quan tâm của dư luận như việc xây dựng Dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm, quy định về kiểm tra phế liệu nhập khẩu dẫn tới ách tắc tại các cửa khẩu trước Tết Nguyên đán hay ý kiến về mất bằng lái xe phải thi lại. Trong đó, đề xuất về việc lấy tiêu chuẩn nước mắm công nghiệp áp cả cho nước mắm truyền thống; mất bằng lái xe phải thi lại khiến nhiều tổ chức, cá nhân liên quan phản ứng.
“Không thể không quản lý được thì đưa ra những đề xuất rất buồn cười để dư luận ồn lên, không đáng có. Chính phủ yêu cầu trước khi công bố các văn bản, chính sách, các đơn vị phải đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, tránh việc để văn bản vừa ban hành đã tạo dư luận không đồng tình” - đồng chí Mai Tiến Dũng nói.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện nay, quy định liên thông với ngành Công an trong việc đổi, cấp lại bằng lái xe đã khá rõ. Theo đó, khi người điều khiển phương tiện vi phạm bị xử phạt hành chính thì cảnh sát giao thông gửi biên bản phạt để cung cấp mã số vào mạng để kiểm tra. Từ đó, chỉ cần dùng điện thoại thông minh là có thể kiểm tra bằng lái xe của bất kỳ người nào, biết hình thức xử phạt ra sao...
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, dù đã đặt vấn đề liên thông với ngành Công an từ năm 2012 nhưng mức độ chia sẻ thông tin về vấn đề trên rất hạn chế. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải làm các thủ tục cần thiết để trong quý IV-2019 sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, tích hợp và công khai toàn bộ thông tin tịch thu, tạm giữ, cấp lại giấy phép lái xe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.