Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến nghị miễn tiền thuê đất khi xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản nông sản

Việt Tuấn| 21/03/2023 17:10

(HNMO) - Ngày 21-3, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục giám sát việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đoàn đã làm việc với UBND huyện Ứng Hòa và UBND huyện Thường Tín về nội dung này.

Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố làm việc với UBND huyện Ứng Hòa.

Theo báo cáo của UBND huyện Ứng Hòa, thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện đã có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Huyện đã hoàn thành việc lập, phê duyệt Đề án và Đồ án xây dựng nông thôn mới cho 28/28 xã; phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của huyện. Kết quả đến nay, huyện có 28/28 xã (đạt 100%) đạt chuẩn nông thôn mới.

Sản xuất nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ, nhân dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực, hiệu quả; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản, khu chăn nuôi xa khu dân cư… Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2008-2020 đạt 6,81%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ (nông nghiệp chiếm 34,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm 28,3%; thương mại - dịch vụ chiếm 37,2%). Thu nhập bình quân năm 2022 đạt 61,5 triệu đồng/người/năm; kỹ năng sản xuất của nông dân có nhiều tiến bộ.

Mặc dù có nhiều cố gắng, song lãnh đạo huyện Ứng Hòa cũng nhận định, hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc tranh thủ cơ chế, chính sách như đầu tư hạ tầng sản xuất chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản quy mô lớn đối với các cơ sở chế biến chưa tiếp cận được.

Trên cơ sở đó, UBND huyện Ứng Hòa kiến nghị thành phố miễn từ 3-5 năm tiền thuế, tiền thuê đất khi các tổ chức, cá nhân khi thuê đất xây dựng cơ sở chế biến bảo quản nông sản sau thu hoạch; hỗ trợ 100% kinh phí kiên cố hóa kênh mương; giao chỉ tiêu hỗ trợ cho các địa phương thực hiện nghị quyết mới về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; bổ sung cơ cấu giống thủy sản đa dạng hơn, bổ sung vào cơ chế hỗ trợ đối với các giống đặc sản; có quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tại huyện Thường Tín, thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 của HĐND thành phố, huyện đã tổ chức tập huấn cho nông dân trong vùng chuyên canh tập trung về kỹ thuật trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi. 

Đoàn khảo sát thực tế tại huyện Ứng Hòa.

Huyện cũng hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; khuyến khích xây dựng kiên cố hóa đường giao thông thôn, xóm. Trong giai đoạn 2019-2022, toàn huyện đã kiên cố hóa được 95.275m đường giao thông nông thôn, cứng hóa 50.805m rãnh thoát nước. Tổng kinh phí thực hiện ước đạt 124  tỷ đồng.

Huyện Thường Tín hiện có 48 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, 82 làng có nghề... Trong đó, có khoảng 16.000 cơ sở sản xuất và hàng trăm doanh nghiệp tư nhân sản xuất trong lĩnh vực nghề truyền thống, với 40.000 lao động.

Đến nay, toàn huyện đã được cơ quan có thẩm quyền cấp bảo hộ 6 nhãn hiệu tập thể, gồm: Làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái); nhãn hiệu tập thể thêu Thường Tín; hoa cây cảnh Hồng Vân; làng nghề truyền thống điêu khắc mộc; làng nghề truyền thống làm lược sừng Thụy Ứng (xã Hòa Bình); làng nghề thêu thôn Cổ Chất (xã Dũng Tiến). 

Tuy nhiên, việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu của làng nghề gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề đối với thị trường trong nước và những sản phẩm xuất khẩu.

Huyện Thường Tín kiến nghị thành phố xem xét hỗ trợ hoàn thiện xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể 3 làng nghề: Điêu khắc thôn Nhân Hiền (xã Hiền Giang), cước lưới Trần Phú (xã Minh Cường), mộc mỹ nghệ thôn Phúc Trạch (xã Thống Nhất) đã được Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng 3 nội dung, còn 2 nội dung chưa được thực hiện (hỗ trợ các hoạt động truyền thông, marketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề; tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của thành phố).

Đoàn giám sát đánh giá, thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 của HĐND thành phố, tại huyện Ứng Hòa mới tiếp cận được 5/13 nội dung hỗ trợ, còn nhiều nội dung chưa triển khai được. Nguyên nhân là do việc cụ thể hóa chính sách còn bất cập. Nhiều chính sách chưa đến được với người nông dân, hoặc đến nhưng chưa hiệu quả. Huyện Thường Tín cũng mới thực hiện được 3/12 chính sách. Đoàn giám sát đề nghị hai huyện chỉ đạo, rà soát những vướng mắc, bất cập, phản ánh tới đoàn để có những đề xuất tháo gỡ khó khăn, nhằm nâng cao hiệu quả chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống.

Ngoài ra, Đoàn giám sát đã ghi nhận đầy đủ những kiến nghị của hai huyện để xem xét, đề xuất định hướng trọng tâm nhằm hỗ trợ chính sách nông nghiệp trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị miễn tiền thuê đất khi xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.