Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không vượt khó do ảnh hưởng của Covid-19

Lương Ninh Giang| 23/03/2021 09:41

(HNMO) - Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư một số chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021.

Các doanh nghiệp hàng không đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VABA, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019. Hiện nay, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, chuyên gia và hàng hóa. Trong 2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66.600 khách, giảm 98,8% so cùng kỳ 2019.

Mặt khác, thị trường hàng không nội địa cũng đã giảm sút nghiêm trọng do dịch Covid-19 bùng phát đợt 3 đúng vào dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 27-1-2021 đến 26-2-2021), khi nhu cầu vận chuyển đạt cao điểm nhất trong năm, nên lượng khách bỏ chỗ rất lớn. Lượng khách giảm, số chuyến bay cũng giảm theo nhưng chi phí lại tăng cao do phải bảo đảm các biện pháp phòng dịch.

Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không.

Từ thực trạng hiện nay và dự báo tình hình năm 2021, VABA đề xuất các chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua những khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 gây ra trong năm 2021. Theo đó, VABA đề nghị Chính phủ tiếp tục cho mở rộng hình thức hỗ trợ tín dụng cho các hãng hàng không, trong đó: Vietjet đề nghị được vay tín dụng 4.000 - 5.000 tỷ đồng trong ba năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này; Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ…

VABA cũng đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ (quy định giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa) để các doanh nghiệp hàng không cũng được hỗ trợ lãi suất thuộc nhóm đối tượng này; cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết ngày 31-12-2021.

VABA kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống mức 900-1.000 đồng/lít; gia hạn thời hạn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập cá nhân…; giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 10-2020 cho đến hết tháng 12-2021...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không vượt khó do ảnh hưởng của Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.