Ngày 31-8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), cục QLTT và sở công thương 63 tỉnh, thành phố về tình hình cung ứng hàng hóa.
Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn diễn biến phức tạp, tập trung vào mặt hàng lợn, đường cát, thuốc lá điếu, hàng điện tử đã qua sử dụng… Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) gia tăng, song chủ yếu được kinh doanh trên thương mại điện tử gây khó khăn cho lực lượng QLTT.
Đáng chú ý, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát toàn bộ cửa hàng xăng dầu trên cả nước, qua đó đã phát hiện nhiều sai phạm. Nổi cộm trong đó là vụ việc 15.000 lít xăng không bảo đảm chất lượng tại Bình Dương; chuyển cơ quan công an điều tra dấu hiệu về tội lừa dối người tiêu dùng, thu lợi bất chính trong kinh doanh xăng dầu tại Thạch Thất, Hà Nội...
Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết: Trong 8 tháng năm 2023, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra 3.651 vụ việc; số tiền xử phạt trên 48 tỷ đồng (đạt 72,96% so với chỉ tiêu năm 2023 được giao), trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trên 46 tỷ đồng; chuyển hình sự 34 vụ việc.
Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trong 8 tháng năm 2023, đơn vị đã phát hiện 1.078 vụ vi phạm, số tiền nộp ngân sách đạt hơn 50% chỉ tiêu, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm trước.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao việc lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát hoạt động của 100% cơ sở kinh doanh xăng dầu cả nước, qua đó góp phần giữ ổn định thị trường, bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Trong 8 tháng năm 2023, lực lượng QLTT cả nước đã tiến hành các đợt cao điểm, mở nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng, lực lượng QLTT vẫn còn nhiều hạn chế trong tổ chức và hoạt động. Điển hình là tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn phổ biến; công tác thanh, kiểm tra còn chưa sâu sát, áp dụng chế tài xử phạt không đủ sức răn đe; công tác quản lý, giáo dục cán bộ ở nhiều đơn vị cơ sở chưa tốt...
Trong thời gian tới, QLTT cả nước cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý thật nghiêm các sai phạm, nhất là sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng..., trong đó tập trung kiểm tra, xử lý các sai phạm đối với một số mặt hàng thiết yếu, trọng điểm như xăng dầu, khí đốt, than đá, phân bón, các loại rau, củ, quả, thuốc lá... Đồng thời, tăng cường phối hợp với các lực lượng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận trong thương mại điện tử.
QLTT cả nước tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nội bộ. Kiên quyết xử lý kịp thời, đúng quy định với các tổ chức, cá nhân sai phạm. Tổng cục cần quy định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tập thể lãnh đạo và người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra sai phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.