Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm toán bắt buộc các dự án có vốn nhà nước

Tư Đô| 14/11/2010 06:28

(HNM) - Sáng 13-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Kiểm toán độc lập. Đã gần 20 năm kể từ ngày công ty kiểm toán đầu tiên ra đời tại Việt Nam, hoạt động này bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót, cần phải có một luật để điều chỉnh.

Bên cạnh đó, cùng với việc gia nhập WTO, Việt Nam cần có những quy định chuẩn hóa về công tác kiểm toán. Vì vậy, các đại biểu đồng tình cao với việc cần thiết phải có Luật Kiểm toán độc lập.

Các ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Phạm Thị Loan (Hà Nội) nêu thực tế là trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu về kiểm toán ngày càng tăng mạnh. Các cơ quan quản lý, các tổ chức và cá nhân có lợi ích liên quan luôn đòi hỏi báo cáo tài chính của các doanh nghiệp phải được xác nhận tính chính xác, trung thực, phù hợp với các chuẩn mực kế toán theo quy định, qua đó đánh giá tính tuân thủ pháp luật, hiệu quả kinh tế trong quản lý và sử dụng vốn. Do vậy, kiểm toán độc lập là một hoạt động không thể thiếu. Các ĐB đề nghị cần coi doanh nghiệp kiểm toán như những doanh nghiệp khác, dù là hoạt động có điều kiện; vì vậy nên giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp phép, Bộ Tài chính chỉ là đơn vị phối hợp, quản lý về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp. Cũng từ quan điểm coi doanh nghiệp kiểm toán bình đẳng với nhiều loại hình doanh nghiệp khác, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng, doanh nghiệp kiểm toán có thể thuê tổng giám đốc mà không bắt buộc cá nhân này phải góp vốn (10%) như trong dự thảo.

Với mong muốn hoạt động kiểm toán phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, góp phần vào việc lành mạnh hóa hoạt động kinh tế, các ĐB nêu yêu cầu các chế tài xử lý vi phạm của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên phải cụ thể hơn nữa. ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cho rằng, luật còn những quy định về việc xác định hành vi vi phạm của kiểm toán rất chung chung, không khả thi.

Ngoài những vấn đề cụ thể như trên, về vấn đề kiểm toán bắt buộc, có ý kiến ĐB cho rằng, việc bắt buộc phải kiểm toán độc lập đối với báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước là hợp lý, nhằm góp phần lành mạnh hóa môi trường đầu tư, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều ĐB còn bày tỏ quan điểm nhất thiết phải có hoạt động kiểm toán đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước và luật phải quy định đó là hoạt động kiểm toán bắt buộc, thường kỳ hằng năm. ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng, kể cả các dự án nhóm B có sử dụng vốn nhà nước cũng phải đưa vào diện kiểm toán bắt buộc, tiến tới trong tương lai kiểm toán bắt buộc đối với tất cả các dự án có vốn nhà nước.

Chiều 13-11, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống mua bán người. Trước đó (ngày 27-10), các ĐBQH cũng đã có phiên thảo luận tại tổ về dự án luật này. Một lần nữa, tại diễn đàn QH, các ĐB bày tỏ sự đồng tình cao với việc cần thiết phải xây dựng luật, bởi thực trạng tội phạm mua bán người đang diễn biến rất phức tạp, với tính chất, quy mô và thủ đoạn ngày càng tinh vi, nghiêm trọng, trong khi đó hiệu quả phòng chống, công tác tiếp nhận nạn nhân... chưa thật sự như mong muốn.

Để ngăn chặn loại tội phạm này, các ĐB đồng tình với định hướng mà luật hướng tới là đề cao các giải pháp phòng ngừa. ĐB Vi Trọng Lễ (Phú Thọ), Giàng A Chu (Yên Bái), Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) khẳng định, phòng ngừa là biện pháp chính để giảm những thiệt hại, mất mát do tội phạm mua bán người gây ra. Trong đó làm tốt công tác giáo dục ngay trong gia đình, nhà trường, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông và nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về trách nhiệm phòng chống tội phạm mua bán người.

Song song với biện pháp phòng ngừa, ĐB nhấn mạnh phải có các biện pháp xử lý, chế tài đủ mạnh để trừng trị tội phạm mua bán người. Về vấn đề nay, một số ý kiến rằng luật chưa thể hiện được cụ thể hệ thống chế tài xử lý tương xứng với từng cấp độ của hành vi vi phạm, còn chưa đủ sức răn đe. Để công tác trấn áp được hiệu quả, ĐB Nguyễn Hữu Trí (Tiền Giang) đề nghị, luật cần có những quy định chặt chẽ, rõ ràng về hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống mua bán người để nâng cao hiệu quả phát hiện, bắt giữ tội phạm, giải cứu nạn nhân.

Một vấn đề đã được các ĐB đề cập nhiều trong quá trình thảo luận là tính khả thi của dự án luật. Trước đó, qua công tác thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tư pháp của QH cũng cho rằng, có một số quy định về các biện pháp phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ và địa phương trong phòng chống mua bán người; chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán trở về; bảo vệ an toàn cho nạn nhân… còn khá rộng, chưa phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và điều kiện thực tế của Việt Nam, khó bảo đảm thực hiện trên thực tế. Nhiều ĐB nêu ví dụ về quy định chính quyền cấp xã phải tiếp nhận, tạo điều kiện về vật chất cho nạn nhân là không phù hợp với tình hình ngân sách của cấp này. ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) đề nghị, với khả năng của UBND cấp xã, luật chỉ nên quy định bắt buộc phải tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân trong trường hợp khẩn cấp. Việc tiếp nhận nạn nhân đi kèm với hỗ trợ vật chất, bảo vệ... phải giao cho các đồn biên phòng hoặc CA cấp huyện trở lên.

Ngoài ra, các ĐB còn chỉ ra rằng, việc quy định về chính sách hỗ trợ nạn nhân được quy định trong luật, tuy rất cụ thể nhưng lại trùng lặp với quy định của các văn bản pháp luật khác hoặc không bảo đảm được ngân sách để thực hiện.

Ðại biểu Trần Văn Ðộ (An Giang):
Phòng, chống mua bán người, trước tiên phải là các biện pháp kinh tế - xã hội

Về phòng ngừa mua bán người, theo tôi, cũng như phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật hoặc tội phạm khác, trước tiên phải là các biện pháp kinh tế - xã hội, sau đó mới là các biện pháp chuyên biệt. Chúng ta chủ yếu là phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật; cơ quan điều tra công an, viện kiểm sát, tòa án khi xử lý một vụ việc chẳng qua là ngắt lá héo, lá sâu trên cây cho cây nó đẹp thôi. Thực ra cây đó để không bị sâu, không bị héo thì phải chăm sóc, dưỡng từ giống, từ gốc, mà ở giống, ở gốc chính là biện pháp kinh tế - xã hội chứ không phải do các cơ quan pháp luật làm không tốt, dẫn đến vi phạm, tội phạm nhiều. Các biện pháp kinh tế - xã hội để chống đói nghèo, để chống lạc hậu, đó chính là biện pháp tốt nhất, phòng ngừa tốt nhất để không xảy ra tình trạng buôn bán người, không bị lợi dụng để xin việc làm, không bị lợi dụng để mua bán, không bị lợi dụng để làm việc này, việc khác.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm toán bắt buộc các dự án có vốn nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.