(HNM) - Tuy cơ quan chức năng có nhiều cố gắng để ngăn chặn tình trạng này nhưng mối đe dọa về vũ khí, vật liệu nổ vẫn hiện hữu...
Trong năm 2012, lực lượng CA cả nước đã điều tra, khám phá hơn 500 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép VK, VLN, CCHT, bắt 692 đối tượng, thu 536 khẩu súng, 1.649 CCHT các loại, hơn 3.000 viên đạn, hơn 4.000kg thuốc nổ, 38.582 kíp nổ… Cơ quan chức năng đã phát hiện và vận động giao nộp 98 khẩu súng quân dụng, hơn 2.000 khẩu súng săn, 311 CCHT, 4.512 viên đạn và gần 200kg thuốc nổ... Mặc dù vậy, từ đầu năm 2012 đến hết tháng 3-2013, toàn quốc đã xảy ra 1.163 vụ liên quan đến VK, VLN, CCHT, trong đó có 427 vụ sử dụng VK, VLN, CCHT gây án; 133 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép; 466 vụ tàng trữ trái phép; 43 vụ tai nạn nổ, làm chết 44 người, bị thương 39 người. Những con số đó cho thấy một thực trạng đáng lo ngại là phần lớn VK, VLN, CCHT đang nằm trong tay các đối tượng hình sự.
Công an TP Hà Nội điều tra, khám phá và thu giữ nhiều loại vũ khí, vật liệu nổ. Ảnh: Dương Hiệp |
Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH cho biết, thời gian gần đây tình hình tội phạm sử dụng VLN gây án ngày càng tinh vi, phức tạp, manh động... Trong khi đó, việc sản xuất, mua bán VK, VLN, CCHT có vẻ ngày càng dễ dàng. Như vụ sản xuất thuốc nổ được phát hiện tại huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) ngày 6-5, đối tượng Đỗ Thị Huyền (SN 1978, ở xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên) đã sản xuất hàng chục bao tải thuốc nổ và bán với giá chỉ 26.000 đồng/kg. Trước đó, ngày 4-4, tại TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng bắt quả tang tàu thủy Thái Bình 27 đang vận chuyển 4 thùng hàng đựng 24 khẩu súng hơi không có chứng từ hợp lệ. Khám xét tàu, lực lượng làm nhiệm vụ thu giữ thêm 80 khẩu súng, 105 ống giảm thanh, 3 ống ngắm và 112 hộp đạn dùng cho súng hơi. Trong một vụ án khác vừa được CA Hà Giang hoàn tất điều tra trong tháng 5, bị can Nông Văn Kiểu (SN 1966, quê ở Tuyên Quang) và đồng bọn đã mua bán trái phép 11 súng quân dụng (trong đó có 3 khẩu AK, 6 khẩu CKC, 2 súng ngắn) và 1 nòng súng AK...
Súng đạn, thuốc nổ dễ kiếm nên nhiều vụ việc mâu thuẫn tưởng chừng nhỏ cũng "được" giải quyết bằng VK, VLN. Trong vụ án "tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng" vừa được CATP Hà Nội khám phá cuối tháng 5-2013, từ mâu thuẫn nhỏ, Nguyễn Hữu Giang (SN 1996) và Cao Văn Thỏa (SN 1994, cùng trú ở Sài Sơn, Quốc Oai) đã sử dụng 2 khẩu súng bắn đạn ghém và 1 súng ổ xoay, bắn 3 phát vào nhóm Nguyễn Hữu Quyền (SN 1993, trú tại Sài Sơn, Quốc Oai). Có thể vì những mâu thuẫn nội bộ gia đình, mâu thuẫn tình cảm mà thuốc nổ cũng được sử dụng. Như vụ việc đau lòng xảy ra ngày 14-5 tại xã Hà Thượng (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), anh Nguyễn Văn Long (SN 1987) và vợ là chị Nguyễn Thị Nga (SN 1988) xảy ra mâu thuẫn, lúc giằng co anh Long đã cho nổ quả mìn gài sẵn trong người. Vật liệu nổ cũng ngày càng xuất hiện nhiều trong các vụ án hình sự liên quan đến trả thù cá nhân, đòi nợ thuê, bảo kê... Nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng. Trong quý I năm 2013, trên địa bàn Hà Nội xảy ra một vụ dùng súng giết người, 6 vụ dùng súng tự chế, súng quân dụng gây rối, 8 vụ tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, 5 vụ nổ mìn tự tạo...
Trong một hội thảo gần đây về vấn đề tăng cường kiểm soát VK, VLN, CCHT, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH đã nhấn mạnh 6 nhóm giải pháp về các vấn đề quản lý VK, VLN, CCHT trong tình hình mới, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan CA cũng cho rằng, hiệu quả hoạt động nghiệp vụ trong công tác xét xử các vụ án liên quan đến lĩnh vực này cần được nâng cao hơn nữa. Đồng thời, biên chế, trình độ chuyên môn của lực lượng làm công tác quản lý VK, VLN, CCHT cũng phải được tăng cường. Khi những yếu tố này chưa được kiện toàn, VK, VLN, CCHT còn là mối lo cho xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.