Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát vật tư nông nghiệp trên thị trường: Siết chặt quản lý, xử lý nghiêm vi phạm

Ngọc Quỳnh| 08/08/2022 07:44

(HNM) - Hiện nay, không chỉ giá thành tăng cao mà chất lượng của vật tư nông nghiệp cũng có nhiều vấn đề gây lo lắng cho người sản xuất. Để làm chủ nguồn nguyên liệu “đầu vào”, hạn chế rủi ro, thiệt hại về kinh tế, bảo đảm an toàn thực phẩm, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương siết chặt công tác quản lý, tăng cường kiểm soát vật tư nông nghiệp trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này...

Cán bộ nông nghiệp xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai) kiểm tra một cửa hàng bán vật tư nông nghiệp. Ảnh: Ánh Ngọc

Vẫn còn hàng giả, hàng kém chất lượng

"Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ năm 2021 đến nay đều tăng, nhất là mỗi khi vào vụ sản xuất mới", ông Bạch Văn Hộp ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên cho biết. Cũng theo ông Hộp, khi mua vật tư nông nghiệp, nhiều nông dân không thể phân biệt được đâu là hàng thật, hàng giả. Chỉ đến khi sử dụng được một thời gian, thấy không hiệu quả thì người nông dân mới biết là mua phải hàng giả, kém chất lượng. Tuy nhiên, khi ấy nông dân đều đã vứt bỏ hóa đơn, bao bì sản phẩm nên không bắt đền được ai…

Hiện trên địa bàn thành phố có 616 cơ sở buôn bán thuốc thú y, trong đó có 520 cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn, vẫn còn không ít cửa hàng không tuân thủ các quy trình, thủ tục đăng ký kinh doanh; không nắm bắt được các loại hàng hóa trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT, có những trường hợp bán hàng kém chất lượng…

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội kiểm tra 137 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật..., qua đó phát hiện 2 cơ sở có hành vi bán thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, xử phạt hành chính 2,25 triệu đồng và xử phạt 1 cơ sở sản xuất giống cây trồng kém chất lượng với số tiền 80.000 đồng.    

Chánh Thanh tra Sở NN& PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến cho biết, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn, trải rộng khắp thành phố, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành quá mỏng.

Đặc biệt, không dễ kiểm soát nhiều loại phân bón, giống cây trồng bán tại chợ dân sinh với giá bán rẻ hơn và tất nhiên chất lượng rất kém. Điều này cũng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản...

Về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, hiện nay vẫn còn tình trạng nông dân mua phải cây giống, con giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng, gây thiệt hại về kinh tế. Mặt khác là tình trạng một số xã, thị trấn chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Bên cạnh đó, việc triển khai công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật ở một số địa phương còn hạn chế, vẫn còn tình trạng hướng dẫn nông dân sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc để phòng trừ dịch hại ở vùng trồng rau màu.

Kịp thời xử lý các hành vi vi phạm

Nhằm kịp thời chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, xử lý triệt để các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, qua đó hạn chế tối đa những thiệt hại cho nông dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, huyện Ba Vì chủ động phối hợp với các ngành chức năng, tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc...

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, theo Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tăng cường hướng dẫn người nông dân mua vật tư nông nghiệp có nguồn gốc xuất xứ tại các cơ sở kinh doanh cố định, có biển hiệu, địa chỉ rõ ràng, được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Người nông dân sau khi mua sắm vật tư nông nghiệp cần giữ lại bao bì, ghi chép nhật ký sử dụng, khi phát hiện có dấu hiệu hàng giả, kém chất lượng cần báo cho cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường các hoạt động lấy mẫu thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y…, kiểm tra, đánh giá chất lượng, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Cùng với đó, kiểm tra các điều kiện về nhãn mác sản phẩm; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng các loại vật tư nông nghiệp an toàn hiệu quả...

Cùng với ngành Nông nghiệp, các địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trong đấu tranh phòng, chống, tố giác tội phạm, lên án các hành vi buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng, giúp cơ quan chức năng công khai vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát vật tư nông nghiệp trên thị trường: Siết chặt quản lý, xử lý nghiêm vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.