(HNM) - Những ngày giáp Tết, trên các phương tiện truyền thông dày đặc thông tin nơi này, nơi kia phát hiện ra thực phẩm
Mỗi khi phát hiện ra một tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, tiêu thụ thực phẩm "bẩn", câu nói "nằm lòng" của các cấp quản lý là: Có nhiều cố gắng nhưng do thiếu nhân lực, phương tiện; do một bộ phận người tiêu dùng (NTD) hám rẻ; do chế tài xử lý doanh nghiệp, cá nhân vi phạm chưa tương xứng với hành vi vi phạm dẫn đến "nhờn luật"...
Hệ thống các văn bản pháp luật quy định về lĩnh vực an toàn thực phẩm tương đối đầy đủ, nhưng lại rất khó áp dụng, dẫn đến tình trạng phát hiện các vụ, việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm "bẩn" đến nay hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự. Ngoài ra, mỗi cơ quan chức năng chỉ chịu trách nhiệm trong một lĩnh vực nhất định, không có cơ quan nào chịu trách nhiệm toàn bộ từ khâu sản xuất, chế biến đến cung cấp cho người dân. Rất nhiều lý do khiến thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm "bẩn" tràn lan trên thị trường, đẩy NTD vào "mê hồn trận".
Trong câu chuyện thật - giả, bẩn - sạch nhiều khi "không biết đâu mà lần" ấy, một vị lãnh đạo Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) đưa ra thông tin rất đáng lưu ý, rằng: NTD chưa sử dụng hết quyền của mình khi mua phải thực phẩm không an toàn. Đó là khi gặp sự cố nên gõ cửa cơ quan quản lý nhà nước như Sở Công thương, Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường, VINASTAS… nhờ can thiệp chứ không lên mãi im lặng như cách tuyệt đại đa số NTD hiện nay vẫn chọn. Các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đều có số điện thoại đường dây nóng để khi cần người dân có thể liên hệ, thế nhưng hầu như công cụ này chưa phát huy tác dụng. Mặt khác, khi cơ quan chức năng phát hiện thực phẩm kém chất lượng, làm giả hầu hết lại chưa công khai rộng rãi đến NTD. Trong khi trên thực tế, biện pháp công khai danh tính các cơ sở vi phạm là hình phạt nghiêm khắc nhất, đáng sợ nhất đối với nhà sản xuất.
2015 được chọn là "Năm an toàn thực phẩm". Tuy nhiên, khác với mọi năm, do Bộ Y tế chủ trì, năm 2015 công việc này do Bộ NN&PTNT chủ trì. Hai cơ quan này sẽ tăng cường giám sát các sản phẩm mà người dân sử dụng nhiều nhất, đó là mặt hàng nông - lâm - thủy sản. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chọn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để thí điểm thành lập tổ thanh tra công tác an toàn thực phẩm tại phường, xã. Tổ thanh tra cơ sở sẽ có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra cũng như xử lý các đơn vị kinh doanh vi phạm ngay trên địa bàn. Đây được coi là giải pháp mới nhằm ngăn chặn thực phẩm "bẩn" ngay từ cơ sở. Nhưng để lực lượng này phát huy hiệu quả thì những hạn chế, bất cập hiện nay rất cần được tháo gỡ.
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết, các cơ quan chức năng thường khuyến cáo NTD chọn lựa sản phẩm an toàn, có thương hiệu, nguồn gốc, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y; tuyệt đối không mua, sử dụng các sản phẩm thực phẩm trôi nổi trên thị trường; đồng thời phải tuân thủ các điều kiện bảo quản của sản phẩm và chú ý hạn sử dụng... Thiết nghĩ, sau nhiều thời gian loay hoay trong công tác xử lý, câu chuyện "ép" NTD trở thành nhà thông thái với "biệt nhãn" "soi" thực phẩm "bẩn" để tránh sử dụng cần phải thay đổi. Các cơ quan chức năng phải thể hiện rõ trách nhiệm, phải kiểm soát thực phẩm từ gốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.