Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát thực phẩm không an toàn: “Chốt chặn” thôi chưa đủ

Đỗ Tâm| 11/06/2012 07:18

(HNM) - Ngày 25-4-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Theo Tổng cục Thống kê, lượng thực phẩm nhập khẩu vào nước ta trong những năm gần đây liên tục tăng lên song việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) đang rất bị động và gần như thả nổi, nhất là đối với thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc (5 tháng đầu năm 2012, riêng kim ngạch nhập khẩu rau, củ, quả có nguồn gốc từ Trung Quốc đã lên tới hơn 50 triệu USD). Điều đáng nói là liên tục trong những năm gần đây, rau, quả Trung Quốc đã bị phát hiện ngay tại nơi sản xuất là có sử dụng các hóa chất độc hại (gần đây nhất là trường hợp cải thảo trồng tại tỉnh Sơn Đông bị nhiễm formaldehyde...), song vào thị trường Việt Nam lại không bị cơ quan chức năng nào phát hiện, cảnh báo mặc dù tại bất kỳ cửa khẩu nào hiện đều có các trạm kiểm dịch thực vật vừa có chức năng kiểm dịch bệnh và sâu hại, vừa thực hiện kiểm tra về ATTP.

Công tác quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm hiện vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: Tân Thạnh


Theo nghị định, đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm tăng cường vi chất và những thực phẩm dễ có khả năng bị hư hỏng do vi sinh vật thì hạn sử dụng an toàn bắt buộc phải ghi "Hạn sử dụng" hoặc "Sử dụng đến ngày" và không được phép bán ra thị trường khi đã quá thời hạn này. Hạn sử dụng an toàn đối với các thực phẩm khác có thể ghi "Sử dụng tốt nhất trước ngày" phù hợp với loại sản phẩm thực phẩm và sau thời điểm đó, thực phẩm vẫn được phép bán ra trên thị trường nếu nhà sản xuất chứng minh được thực phẩm đó an toàn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải ghi hạn sử dụng rõ ràng theo một trong hai hình thức "Hạn sử dụng", hoặc "Sử dụng đến ngày".

Các thực phẩm bao gói sẵn phải bắt buộc ghi nhãn theo quy định của pháp luật về ghi nhãn thực phẩm. Nội dung bắt buộc ghi nhãn phải đáp ứng một số quy định như: thông tin trên nhãn phải đúng bản chất sản phẩm, trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm cho người sử dụng. Tên sản phẩm phải là cỡ chữ lớn nhất, rõ nhất và tối thiểu gấp 3 lần cỡ chữ khác trên nhãn...

6 trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu là: Thực phẩm mang theo người nhập cảnh để tiêu dùng cá nhân trong định mức được miễn thuế nhập khẩu; thực phẩm trong túi ngoại giao, túi lãnh sự; thực phẩm quá cảnh, chuyển khẩu; thực phẩm gửi kho ngoại quan; thực phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu; thực phẩm là mẫu trưng bày hội chợ, triển lãm.

Nhằm tránh sự chồng chéo cũng như hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm quy định về chất lượng ATVSTP, nghị định đã phân công cụ thể nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan theo nguyên tắc một cửa, một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, Bộ Y tế chịu trách nhiệm chung trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương chịu trách nhiệm thanh tra về ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất bản, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định. Trong quá trình quản lý, nếu có vấn đề phát sinh, giao thoa không thể phân định rõ thì Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể.

Phải nói rằng, trong thời gian qua, vấn đề ATTP đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP đã có chuyển biến. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP đến nay, bằng việc ban hành nghị định này, đã khá đầy đủ. Bộ máy tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về ATTP từ trung ương đến địa phương đang được kiện toàn; việc phân công, phân cấp và phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương đã rõ... Thế nhưng vấn đề bảo đảm ATTP vẫn còn nhiều yếu kém, gây bức xúc trong dư luận xã hội là điều đáng suy nghĩ. Để giải quyết vấn đề một cách triệt để, đòi hỏi phải có một sự phối hợp từ nhiều phía: cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đặc biệt quan trọng là người tiêu dùng thông qua quyền chọn lựa sản phẩm an toàn của mình.

Hiện nay phần đông người tiêu dùng, đặc biệt ở các vùng ngoại thành, vẫn có tâm lý thích thực phẩm giá rẻ, nom "bắt mắt" mà ít quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ. Đây chính là khó khăn lớn nhất trong cuộc đấu tranh với thực phẩm không an toàn bởi chỉ khi người tiêu dùng kiên quyết nói không với thực phẩm trôi nổi, không rõ xuất xứ, đặc biệt từ bỏ tâm lý thích sản phẩm giá rẻ và tập dần thói quen chọn hàng có nhãn hiệu rõ ràng, chất lượng với mức giá hợp lý thì thực phẩm không an toàn mới không còn chỗ để tồn tại. Như thế cũng có nghĩa là, dẫu đã có "chốt chặn" của các cơ quan quản lý nhà nước, vai trò của người tiêu dùng trong việc ngăn ngừa thực phẩm không an toàn vẫn hết sức quan trọng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát thực phẩm không an toàn: “Chốt chặn” thôi chưa đủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.