Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát tăng giá cuối năm

Hồng Sơn| 10/11/2020 06:16

(HNM) - Những tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng gia tăng; cùng với đó, diễn biến giá vàng, giá xăng, dầu phụ thuộc vào diễn biến thị trường thế giới... có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Do đó, tập trung kiểm soát tăng giá hàng hóa cuối năm, bảo đảm kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức dưới 4% như kế hoạch đề ra là yêu cầu quan trọng, góp phần ổn định đời sống xã hội, hoàn thiện bức tranh kinh tế năm 2020.

Giá thịt lợn - yếu tố tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng, có xu hướng giảm do nguồn cung trong nước tăng. Trong ảnh: Người dân mua thịt lợn tại siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nhật Nam.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2020 tăng 0,09% so với tháng 9-2020. Đây là mức tăng thấp nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2016-2020. Bình quân 10 tháng năm 2020, CPI tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản tháng 10-2020 tăng 0,07% so với tháng 9-2020 và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2019. Bình quân 10 tháng năm 2020, lạm phát tăng 2,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Như vậy, vẫn còn dư địa khá an toàn để hiện thực hóa mục tiêu khống chế CPI tăng dưới 4% trong cả năm 2020.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng thấp là do nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Đáng chú ý là nhóm giao thông giảm 0,08% nhờ giá xăng, dầu điều chỉnh giảm, cộng với nhiều gói ưu đãi kích cầu tiêu dùng của hàng không, đường sắt…, góp phần hỗ trợ CPI chung giảm 0,01%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, dù CPI tăng thấp song vẫn phải cảnh giác, bởi thông thường những tháng cuối năm nhu cầu tiêu dùng gia tăng có thể khiến giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng đột biến. Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Đỗ Thị Ngọc, giá thịt lợn - thực phẩm thiết yếu tác động mạnh đến CPI, có xu hướng giảm (tháng 10-2020 giảm 2.000-3.200 đồng/kg, tương đương 2,84% so với tháng 9-2020) do nguồn cung trong nước tăng. Từ nay đến cuối năm 2020, mặt hàng này vẫn phải lưu tâm, đề phòng khả năng giá có thể tăng, bởi bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa dứt hẳn, trong khi nhu cầu tiêu thụ chắc chắn rất lớn vào thời điểm cuối năm, giáp Tết.

Ngoài lương thực, thực phẩm, nhóm dịch vụ giao thông cũng cần chú ý khi nhu cầu đi lại gia tăng và chịu tác động của giá xăng, dầu. Thực tế, ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế, hoạt động giao thông nội địa đã gần như khôi phục hoàn toàn.

Ở chiều ngược lại, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực, làm giảm thu nhập đối với một bộ phận người lao động nên sức cầu xã hội có thể tăng chậm, mức tăng không bằng mọi năm. Mặt khác, nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào, tâm lý của người tiêu dùng ổn định; các doanh nghiệp phân phối, cung ứng hàng hóa dự trữ lượng hàng khá lớn ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường kể cả khi có đột biến. Đây là những yếu tố thuận lợi để giữ CPI những tháng cuối năm 2020 như yêu cầu đặt ra ở mức dưới 4%.

Bám sát diễn biến cung cầu, kiểm soát giá các mặt hàng

Trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cần chủ động dự trữ nguồn hàng và thực hiện bình ổn giá. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Aeon Mall (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang.

Theo ông Lê Huy Khôi, chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), diễn biến CPI 10 tháng năm 2020 cho thấy, sự phối hợp điều hành của các bộ, ngành, địa phương dưới sự chỉ đạo của Chính phủ khá hiệu quả. Đà tăng thấp của CPI góp phần giữ ổn định an sinh xã hội cũng như hậu thuẫn cho hoạt động sản xuất, đồng thời hỗ trợ cho việc kiểm soát CPI trong 2 tháng còn lại của năm 2020.

Chung nhận định, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, áp lực tăng giá cuối năm là rất lớn. Vì thế, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động phương án, vào cuộc đồng bộ như đã thực hiện thành công thời gian qua.

Để bảo đảm giữ chỉ số CPI dưới 4%, ngày 29-10-2020, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 9021/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm và các hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân miền Trung đang khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt; chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao vào cuối năm (dịp Tết Dương lịch, Noel, mùa cưới hỏi, Tết Nguyên đán) để hạn chế tăng giá...

Đối với từng lĩnh vực cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo ngành Điện không điều chỉnh tăng giá. Bộ NN&PTNT tiếp tục các giải pháp tổng thể phòng, chống dịch bệnh, tăng tái đàn, nhập khẩu thịt lợn. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính bám sát diễn biến giá xăng, dầu thế giới, điều hành giá bán trong nước phù hợp, góp phần kiểm soát lạm phát…

Được biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp, ngành hàng, sở công thương các địa phương chủ động phương án cân đối cung - cầu, dự trữ nguồn hàng, thực hiện bình ổn giá mặt hàng thiết yếu; đẩy mạnh đưa hàng về khu vực nông thôn và kích cầu tiêu dùng nội địa… Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật.

Với quyết tâm điều hành, triển khai đồng bộ các giải pháp, dự báo, CPI cả năm 2020 được giữ dưới 4% và lạm phát cơ bản sẽ dưới 3% như mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát tăng giá cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.