Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát số phận hạt gạo, nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp

Theo Thu Hà| 25/08/2013 21:23

Sản xuất lúa gạo đang gặp nhiều khó khăn khi thị trường tiêu thụ đang bị thu hẹp. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu suy giảm khiến cho thu nhập của người nông dân đã thấp nay còn thấp hơn, dẫn đến xuất hiện tình trạng không ít nông dân trả ruộng, bỏ ruộng tại nhiều địa phương...

Bộ trưởng Cao Đức Phát (nguồn: chinhphu.vn)


Thực tế ở một số địa phương người dân không còn tha thiết với đồng ruộng cũng như trước thực trạng tấc đất không còn là tấc vàng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra tình hình, làm rõ nguyên nhân để có những đề xuất, giải pháp để khắc phục và đặc biệt giúp cho bà con nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp để duy trì sản xuất.

Kết quả bước đầu cho thấy, nguyên nhân chính do trong thời gian gần đây giá các loại vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi giá đầu ra của nhiều loại nông sản xuống thấp nên thu nhập của bà con nông dân từ một số khu vực đồng ruộng nhất định quá thấp nên bà con không sản xuất. Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra biện pháp tạo điều kiện cho bà con điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: Về chủ trương Việt Nam vẫn phải thực hiện chủ trương duy trì quỹ đất lúa vì lợi ích trước mắt cũng như lâu dài. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, trên đất lúa bà con có thể chuyển sang trồng các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn như cây ngô vì nước ta đang có nhu cầu lớn về thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi đang phải nhập khẩu nên giá ngô đang khá cao và có thể làm lợi cho nông dân.

Đối với sản xuất lúa gạo, người nông dân Việt Nam thường đứng trước nghịch lý là lúa đầy đồng nhưng đôi khi nông dân không vui vì “cảnh” được mùa mất giá. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là nước có sản lượng gạo xuất khẩu cao nhất nhì nhưng giá xuất khẩu lại đứng ở cuối bảng xếp hạng. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đã đến lúc Việt Nam phải chuyển mạnh sang nền nông nghiệp mới, đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng để làm tăng thu nhập cho nông dân. Điều này đã thể hiện ở đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vừa qua đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước thông tin về việc trộn hóa chất vào hạt gạo để tạo mùi và làm trắng hạt gạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương khẩn trương kiểm tra để thông báo cho nhân dân biết vì đây là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân.

Theo Bộ trưởng, kết quả bước đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, qua kiểm tra 6 cơ sở cơ quan chức năng chưa thấy có tồn dư các loại hóa chất tạo mùi và làm trắng trên gạo. Việc kiểm tra được các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện và sẽ có thông báo kết quả cuối cùng tới người dân.

Trước tâm tư, nguyện vọng của hàng triệu bà con nông dân luôn thấp thỏm, lo âu khi làm ra được hạt gạo mà không kiểm soát được số phận của hạt gạo cũng như những trăn trở của người nông dân trong việc làm thế nào để tiếp tục sống được bằng nghề nông như cha ông bao đời nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng trách nhiệm của mình, của ngành nông nghiệp là phải nhanh chóng quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả hơn những chủ trương của Đảng, của Chính phủ để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Khi ngành nông nghiệp có hiệu quả cao hơn, từ đó mới nâng cao nhanh hơn thu nhập và cải thiện đời sống của bà con nông dân.

“Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng đề ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2020 phấn đấu tăng gấp hơn 2,5 lần thu nhập bình quân của nông dân so với năm 2008”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát số phận hạt gạo, nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.