Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiềm chế lạm phát dịp cuối năm: Vào chặng nước rút

Hồng Sơn| 12/11/2018 06:25

(HNM) - Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2018, trong đó có một chỉ tiêu quan trọng phải thực hiện là kiềm chế lạm phát dưới mức 4%.

Ổn định giá cả các mặt hàng tiêu dùng là giải pháp quan trọng kiềm chế lạm phát. Ảnh: Hữu Tiệp


Tăng giá do yếu tố khách quan

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 tăng 3,6%. Trong đó, so với tháng trước, CPI tháng 10-2018 có các nhóm hàng tăng giá là giao thông tăng 1,55%; giáo dục 0,58%; nhà ở và vật liệu xây dựng 0,31%. Trong khi đó, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,22%; may mặc, mũ nón và giày dép 0,15%; thiết bị và đồ dùng gia đình 0,11%; văn hóa, giải trí và du lịch 0,09%... Riêng nhóm bưu chính - viễn thông giảm 0,04%.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, nguyên nhân làm tăng CPI tháng 10 là trong những ngày đầu tháng giá thịt lợn hơi tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với tháng trước. Ngoài ra, xu hướng tăng giá xăng dầu trên thị trường quốc tế, dẫn đến giá mặt hàng thiết yếu này ở trong nước tăng theo khiến chỉ số giá của nhóm giao thông tăng khá mạnh, rất khó khống chế, bởi đây là yếu tố phụ thuộc vào giá bán thực tế trên thị trường quốc tế. Giá gas và dịch vụ giáo dục tăng tại một số tỉnh, thành phố cũng là nguyên nhân khiến CPI nói chung gia tăng. Tuy nhiên, điều cốt yếu là phần lớn những diễn biến nói trên do yếu tố khách quan, là xu hướng và khó can thiệp để kìm hãm đà tăng giá tiêu dùng.

Những ngày đầu tháng 11-2018, giá dầu thô trên thị trường thế giới đang trên đà giảm, hiện ở quanh mức dưới 80 USD/thùng. Đây là một diễn biến rất có lợi cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa ở Việt Nam - quốc gia có 2/3 nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Đặc biệt, giá xăng trong nước đã giảm hơn 1.000 đồng/lít, mức giảm khá sâu từ 15h ngày 6-11, là tiền đề để kéo CPI giảm xuống, bởi nhiên liệu là đầu vào, ảnh hưởng đến hầu hết các nhóm hàng và dịch vụ xã hội trong thời gian tới, khi mùa sản xuất, mua sắm Tết bắt đầu. Xét rộng hơn, nếu dầu thô tiếp tục đà giảm giá sẽ hỗ trợ việc hiện thực hóa mục tiêu kiềm chế CPI của năm 2018 ở mức dưới 4% như đã đề ra.

Tập trung nhiều giải pháp

Giá xăng dầu đang giảm góp phần kéo giảm giá nhiều mặt hàng và dịch vụ khác.


Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cơ quan chức năng cần quan tâm, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh - sạch để vừa bảo đảm nguồn cung nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, vừa kết hợp với quảng bá hình ảnh, chất lượng nông sản Việt trên các thị trường xuất khẩu. Đây sẽ là giải pháp nhắm tới mục tiêu trước mắt cũng như dài hạn.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, nhập công nghệ hiện đại để sản xuất hàng chất lượng cao, bảo đảm số lượng cũng như có giá trị gia tăng cao nhằm thỏa mãn quan hệ cung - cầu trên thị trường nội địa.

Xét ở góc độ địa phương, phần lớn các tỉnh, thành phố đang vào giai đoạn chuẩn bị hàng hóa dịp cuối năm. Đơn cử, Hà Nội đã triển khai công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sắp tới.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, công tác này sẽ gắn liền với mục đích bình ổn giá trên thị trường; đặc biệt bảo đảm nguồn cung những mặt hàng thiết yếu gồm thịt lợn, thịt bò, thịt gà, rau củ quả, rượu - bia - nước giải khát, bánh mứt kẹo, đồ gia dụng... Hà Nội cũng dành hàng nghìn tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi, phục vụ bình ổn giá dịp Tết. Doanh nghiệp được mời tham gia các chương trình khuyến mại, giảm giá và mang lại những lợi ích thiết thực đối với người tiêu dùng; đồng thời, lồng ghép với nội dung ủng hộ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Đến thời điểm hiện tại, ước tính giá trị hàng hóa phục vụ nhu cầu xã hội lên tới 28,5 nghìn tỷ đồng. Sở đang tiếp tục tổ chức các đợt tìm hiểu thị trường, nguồn hàng, giao thương cho các doanh nghiệp trên địa bàn với đối tác các tỉnh, thành phố bạn.

Trên thực tế, càng gần cuối năm yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thị trường càng phải được thực hiện thường xuyên, với tần suất cao hơn để bảo đảm sự lành mạnh trên thị trường. Trong đó, các đơn vị chức năng phải nâng cao ý thức, chủ động tổ chức các đợt kiểm tra chuyên ngành hoặc đột xuất để phát hiện, xử lý hoạt động buôn lậu và sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Làm được như vậy sẽ góp phần bảo vệ đơn vị làm ăn chân chính, người tiêu dùng, hãm đà tăng giá và bảo đảm môi trường kinh doanh Việt Nam theo hướng văn minh, công bằng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, dịp cuối năm, thị trường cung - cầu có nhu cầu rất lớn và quan trọng nhất vẫn là duy trì quan hệ cung - cầu một cách lành mạnh. Theo đó cần tạo điều kiện để khơi thông nguồn hàng, lược bỏ tối đa các khâu trung gian để phòng chống đội giá bất hợp lý. Đặc biệt, bên bán - bên mua cần xác định tinh thần vì lợi ích chung để chủ động hợp tác, tiêu thụ sản phẩm của nhau. Đơn cử, các siêu thị nên giảm mức chiết khấu để gia tăng sự đóng góp cho xã hội, hỗ trợ người tiêu dùng.

Tương tự, nếu nông dân tiêu thụ được nhiều nông sản sẽ có điều kiện tài chính để mua sản phẩm tiêu dùng, công nghệ của khối doanh nghiệp. Đây chính là bản chất của vấn đề “hai bên cùng thắng” trong quan hệ thương mại hiện đại.

Bà Đỗ Thị Ngọc nhận định, khả năng khống chế CPI tăng ở mức dưới 4% khi kết thúc năm nay là hoàn toàn có thể; kể cả CPI tháng 12 vẫn có thể tăng, nhưng ở mức thấp. Nguyên nhân là giá xăng dầu đang tiếp đà giảm, giá gas cũng giảm, trong khi nguồn cung lương thực và thực phẩm ổn định; cùng với đó là các giải pháp điều hành, kiềm chế lạm phát đồng bộ từ Chính phủ, các cơ quan và địa phương...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiềm chế lạm phát dịp cuối năm: Vào chặng nước rút

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.