(HNM) - Đúng dịp kỷ niệm 5 năm Ngày giải phóng Thủ đô, Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng xong, bắt đầu công diễn phục vụ khán giả vở
Một cảnh trong vở “Tiếng đàn vùng Mê Thảo”. |
Nhà nghiên cứu sân khấu, PGS.TS Tất Thắng lấy cảm hứng đề tài từ truyện ngắn "Chùa Đàn" của văn hào Nguyễn Tuân, sáng tác kịch bản "Tiếng đàn vùng Mê Thảo" từ hơn chục năm nay. Đề tài này thắm duyên không chỉ với kịch nói, bởi đã nhiều lần được đưa lên sân khấu thành công. Như Nhà hát Cải lương Việt Nam từng dựng "Cây đàn huyền thoại", gây tiếng vang lớn trong những năm chín mươi của thế kỷ trước, đến nỗi mà vở diễn đó thành dẫn chứng cho vẻ đẹp sang trọng và sự chuyên nghiệp của cải lương miền Bắc. Đầu năm 2013, Nhà hát Chèo Quân đội cũng khai xuân vở diễn với đề tài nói trên. Tuy nhiên, "Tiếng đàn vùng Mê Thảo" của Nhà hát kịch Hà Nội cho một hiệu quả khác, nói như NSND Mạnh Tưởng là "kịch nói hiệu quả hơn kịch hát bởi không bị lệ thuộc vào ca từ, lại có sự sâu sắc trong mô tả mối quan hệ giữa các nhân vật cũng như khả năng mô tả nội tâm tinh tế…".
Vở diễn xoay quanh cuộc đời của Thị Tơ, một phụ nữ đẹp nhưng đầy bí ẩn. Cô bị thương khá nặng và được trang ấp Mê Thảo cưu mang, chữa trị cho đến khi bình phục. Cô trả ơn bằng cách đem tài nghệ pha trà, chơi đàn phục vụ chủ trang ấp, vô tình khiến những người đàn ông ở đó si mê. Nhưng cô gái tài sắc vẹn toàn này có những nỗi buồn đầy bí ẩn. Chỉ khi người chồng của cô, một danh cầm có tiếng đàn xứng đáng được tôn vinh đệ nhất tài hoa tìm tới thì cô mới bừng tỉnh để thoát khỏi nỗi buồn khắc khoải. Mê Thảo vắng bóng Thị Tơ bỗng như mất đi báu vật, khiến ông chủ trang ấp thẫn thờ. Bà chủ cuồng loạn tìm công thức sao trà cho giống Thị Tơ đến hao tâm tổn trí, mất cả sinh mạng. Chủ ấp lại càng chìm sâu vào tình trạng u uất… Bá Nhỡ đã cùng một người hầu lên đường tìm Thị Tơ để cứu chủ. Đến đây, chuyện kịch được đẩy lên cao trào. Bá Nhỡ đã bước qua lời nguyền, đến bên cây đàn đầy ám ảnh để tấu lên bản nhạc cho Thị Tơ hát, thức tỉnh ông chủ và những người tri kỷ. Người nghệ sĩ ấy gục xuống chết. Vở kịch kết thúc, sân khấu tuyệt đẹp mà đầy ám ảnh.
Các nhân vật chính do dàn "sao" của Nhà hát Kịch Hà Nội đảm nhận: NSND Hoàng Dũng vào vai Bá Nhỡ, NSƯT Trung Hiếu thủ vai chủ ấp, NSƯT Thu Hà - vai bà chủ ấp, Kiều Thanh - vai Thị Tơ. Đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang không hổ danh "phù thủy" của sân khấu kịch, "mở khóa" kịch bản giàu tính nghệ thuật, ẩn ý thâm sâu bằng cách mạnh dạn đan xen những cảnh hài hước xoay quanh các vai phụ như hầu gái Tít (Diệu Linh đảm nhận), nhân vật Bộp (Công Lý) hay bà hàng xóm tốt bụng nhưng nhiều lời… Vở diễn trở nên dễ xem, dễ cảm hơn đối với số đông khán giả, kể cả những người trẻ. NSƯT Quốc Chiêm nhận xét: "Cuộc chơi nghệ thuật này vẫn giữ được nội dung và chủ đề tư tưởng sâu sắc của tác phẩm "Chùa Đàn". Nó cho ta cảm nhận về một sự lịch lãm, từ kịch bản đến đạo diễn, đặc biệt là khả năng thể hiện của diễn viên".
Tuy vậy, không phải chi tiết nào của vở diễn cũng đạt tới sự hoàn hảo. Vì phải thuyết phục khán giả bằng nghệ thuật đàn ca vốn không phải sở trường của "dân kịch nói" nên việc ghép nhạc, khớp lời của diễn viên chưa thật nhuần nhị, có lúc chưa "tròn vành, rõ chữ". Khán giả hoang mang về tiếng đàn và đạo cụ đàn dùng trên sân khấu có lúc không khớp nhau, cây đàn ấy quá bóng bẩy, không hợp với hình ảnh một cây đàn cổ.
Nhưng, phải ghi nhận đây là vở giàu tính nghệ thuật, dễ xem. Nó gieo hy vọng phá đi nỗi buồn canh cánh về sự lạnh lùng của công chúng đối với nền nghệ thuật sân khấu trên đất văn vật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.