Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kích hoạt chiến lược chăm sóc người cao tuổi

Dục Tú| 10/07/2016 07:10

(HNM) - Theo khái niệm về nhân khẩu học, với một quốc gia, khi số người từ 65 tuổi trở lên đạt tỷ lệ 7% dân số thì có nghĩa quốc gia đó chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số; khi con số này tăng lên gấp đôi - tức là 14% dân số ở độ tuổi từ 65 trở lên, có nghĩa bắt đầu giai đoạn dân số già.


Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, khá nhanh so với những dự báo trước đó. Chẳng hạn, vào năm 2009, những tính toán dựa trên số liệu thống kê dẫn đến nhận định rằng, phải đến khoảng năm 2017 hoặc năm 2018 thì chúng ta mới bắt đầu giai đoạn già hóa dân số. Quá trình già hóa tới nhanh hơn dự kiến, đó là kết quả của sự sụt giảm về tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết và tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên.

Về nguyên tắc, khi một quốc gia bước vào giai đoạn già hóa dân số, cần phải kích hoạt chiến lược chăm sóc người cao tuổi và tận dụng khả năng, kinh nghiệm của họ vào sự phát triển của xã hội. Liên quan tới mục tiêu của chiến lược này, điều quan trọng nhất là không để người cao tuổi trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội, vì vậy, Nhà nước cần có chính sách phù hợp để người cao tuổi phát huy khả năng kiến thiết, trở thành tài sản quốc gia hữu ích.

Với Việt Nam, cần phải xác định mục tiêu ưu tiên trong việc thực hiện chiến lược chăm sóc người cao tuổi và phát huy vai trò của họ đối với sự phát triển xã hội, đó là làm sao để người cao tuổi có được đời sống tốt cả về vật chất và tinh thần. Đây là mục tiêu phù hợp bởi thực tế có rất nhiều người cao tuổi không có lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con cái. Mặt khác, kết quả khảo sát cho thấy cơ cấu bệnh tật ở người cao tuổi Việt Nam đang tạo ra mối lo lớn khi chỉ khoảng 5% là có sức khỏe tốt, đa số mang gánh lo bệnh tật. Mô hình chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam chưa đa dạng, thiếu cơ sở chăm sóc và phụng dưỡng người già tập trung đúng nghĩa; những cơ sở hiện có phần nhiều mang ý nghĩa tự nguyện, gặp rất nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp, cơ sở hạ tầng hạn chế. Những yếu tố kể trên xuất hiện trong bối cảnh mô hình gia đình Việt Nam đang có bước chuyển mạnh sang mô hình hạt nhân quy mô nhỏ, khiến công tác chăm sóc người cao tuổi càng thêm khó khăn.

Mặt khác, tốc độ chuyển giai đoạn từ già hóa dân số sang dân số già được dự báo là rất nhanh so với các nước phát triển, do vậy, Việt Nam cần giải quyết cùng lúc hai vấn đề cơ bản. Thứ nhất là nâng cao chất lượng công tác chăm sóc số người cao tuổi hiện tại, bảo đảm rằng người cao tuổi không trở thành gánh nặng cho xã hội và con cháu, đồng thời giúp họ phát huy khả năng, kinh nghiệm, trí tuệ để góp phần kiến thiết đất nước, dạy dỗ con cháu. Thứ hai, tạo dựng tâm thế “già chủ động” cho lớp người kế cận, giúp họ có đầy đủ yếu tố cần thiết để bước vào tuổi già mà không trở thành gánh nặng bệnh tật cũng như mối lo chăm sóc trong đời sống thường nhật.

Muốn giải quyết đồng thời hai vấn đề nói trên, giảm thiểu ảnh hưởng xấu của giai đoạn già hóa dân số và không bị động khi đất nước chuyển sang giai đoạn dân số già, cần có một chính sách đồng bộ bao trùm lên các lĩnh vực y tế, kinh tế, việc làm, an sinh xã hội. Cần đưa vấn đề già hóa dân số vào các chương trình, chính sách phát triển của quốc gia, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; có chính sách phù hợp để người cao tuổi có được những điều kiện đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu khi hết tuổi lao động. Mặt khác, Bộ Y tế cần đẩy nhanh quá trình hình thành và hoàn thiện hệ thống y tế lão khoa, ít nhất là dành cho hệ thống này mức ưu tiên như đã áp dụng với hệ thống sản khoa và nhi khoa…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kích hoạt chiến lược chăm sóc người cao tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.