(HNM) - Sau hơn 6 tháng phát động, chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” đã kết thúc giai đoạn 1 với những con số ấn tượng. Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chương trình đã khuyến khích được sức sáng tạo phong phú của người lao động.
Tính đến hết ngày 31-5, chương trình "1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" đã ghi nhận hơn 600.000 sáng kiến, cải tiến được cập nhật, vượt xa mục tiêu đề ra trước đó. Sáng kiến không phải chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ về cải tiến kỹ thuật trong những hoàn cảnh, điều kiện bình thường, thiết thực mà còn có cả phát minh, sáng chế. Tất cả đều là sản phẩm được sáng tạo ra khi cuộc sống thúc bách.
Trong số những địa phương bứt phá đầy ấn tượng, có thể kể đến Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày cuối cùng của chiến dịch cao điểm, vượt lên giữ vị trí thứ 2 với gần 56,5 nghìn sáng kiến. Tương tự, từ chỗ xếp thứ hạng gần cuối, chỉ sau 40 ngày tăng tốc, Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng vươn lên vị trí thứ 16 trong số 82 đơn vị, cũng là đơn vị dẫn đầu của Cụm thi đua 10 Liên đoàn Lao động các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hậu Giang là tỉnh nhỏ, số lượng đoàn viên ít nhưng đã hoàn thành sớm chỉ tiêu cả chương trình, vừa nằm trong tốp 10 đơn vị có nhiều sáng kiến nhất của cả nước ở giai đoạn 1.
Tại Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố là đơn vị đầu tiên đăng ký thực hiện và giao nhiệm vụ cho công đoàn trực thuộc với mức độ cao hơn yêu cầu, đã gặt hái thành công, không chỉ ở kết quả đạt 94% chỉ tiêu toàn bộ chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao mà còn tạo ra lực hút cùng thi đua của Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành, tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng, vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, số lượng sáng kiến vẫn tăng đều trên hệ thống, trung bình có 800-1.000 sáng kiến/ngày, cao điểm tăng hơn 4.000 sáng kiến/ngày. Nhiều đơn vị đã thể hiện tinh thần thi đua hăng hái, sôi nổi, thực hiện các biện pháp quyết liệt đạt kết quả cao, tiêu biểu như Liên đoàn Lao động các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Gia Lâm, Phúc Thọ, Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội…
Tâm đắc với chương trình trên của tổ chức Công đoàn Việt Nam, ông Akira Kikuchi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (huyện Gia Lâm, Hà Nội) khẳng định, việc hỗ trợ hoạt động sáng tạo của người lao động không chỉ thể hiện qua lời nói mà qua những việc làm cụ thể. Ngay tại giai đoạn 1, đã có gần 70.000 sáng kiến của công nhân lao động đang làm việc trực tiếp trong các doanh nghiệp và rất nhiều sáng kiến là của những người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Đây là sự khởi sắc đáng mừng, bởi thực tế phần lớn công nhân lao động trực tiếp không có trình độ cao về học vấn, nhưng trong quá trình lao động, họ lại là những người hiểu cặn kẽ công việc, dây chuyền sản xuất, từ đó xuất hiện những cải tiến, sáng kiến. Thời gian tới, công ty sẽ xây dựng khu vườn ẩm thực để người lao động, người sử dụng lao động cùng ăn trưa với nhau; xây dựng siêu thị, khu vui chơi, giải trí để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đó là không gian mở để người lao động thoải mái phát huy ý tưởng, sáng kiến.
Theo tính toán sơ bộ, tổng giá trị làm lợi từ chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” giai đoạn 1 là hơn 10.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2 của chương trình diễn ra từ tháng 6-2022 đến tháng 9-2023, khởi động chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023) và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, với mục tiêu 700.000 sáng kiến.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải khẳng định, Tổng Liên đoàn trân trọng những sáng kiến có giá trị làm lợi cao, nhưng cũng luôn cổ vũ và không xem nhẹ sáng kiến của người lao động ở cấp cơ sở, dù có thể hiệu quả kinh tế không cao, nhưng lan tỏa được tinh thần cống hiến, đóng góp trí tuệ, công sức, chung tay khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tạo hiệu quả tối ưu nhất cho một chu kỳ sản phẩm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.