Môi trường

Khuyến khích các dự án khai thác sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước

Đình Hiệp 27/11/2023 - 15:10

Chiều 27-11, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Trong đó, khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng nước có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước…

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả (mục 4, Chương IV), có ý kiến đề nghị cần xác định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng cho từng dự án cụ thể để tăng cường trách nhiệm của chủ dự án khi lựa chọn áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và xử lý nước thải.

chieu-le-quang-huy.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Điều 59 dự thảo Luật đã quy định sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước theo 3 cấp độ: Khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng nước có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước (khoản 1); có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi tương ứng theo quy định của pháp luật (khoản 4 và khoản 5).

Bắt buộc áp dụng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước thải đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực có nguồn nước không còn khả năng chịu tải (khoản 3 và khoản 6).

Đồng thời, khoản 4 Điều 59 dự thảo Luật đã quy định giao UBND cấp tỉnh có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi theo quy định của pháp luật. Theo đó, UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng đối với từng dự án. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật.

chieu-dai-bieu-1.jpg
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật cũng đã được rà soát, chỉnh lý quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt của các cơ quan tại khoản 3, 4, Điều 43 về khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt; về quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 và giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 3 Điều 51.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có 10 chương, 87 điều. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương; trong đó giữ nguyên 19 điều; sửa đổi, bổ sung 55 điều; bổ sung mới 13 điều và bãi bỏ 5 điều. Đối chiếu với dự thảo Luật đưa ra hồi tháng 3-2023, dự thảo Luật được cập nhật vào tháng 9-2023 đã tiếp thu, bổ sung nhiều kiến nghị, góp ý của các cơ quan, hội ngành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích các dự án khai thác sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.