Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại kỳ họp thứ năm

Tiến Thành| 15/03/2023 16:34

(HNMO) - Chiều 15-3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành trình bày tờ trình.

Đề xuất Luật Tài nguyên nước là luật khung

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, việc giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước…

Việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương; hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về: Giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hóa...

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 88 điều và được bố cục thành 10 chương. So với luật 2012, dự thảo luật không tăng về số chương, giữ nguyên 10 điều; sửa đổi, bổ sung 62 điều; bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 8 điều.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước như tờ trình của Chính phủ. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh có tới 11 luật liên quan trực tiếp đến dự án luật thì cũng nên có điều, khoản quy định về áp dụng luật để tránh chồng chéo.

“Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nên thể hiện rõ tính chất đây là luật khung quy định những vấn đề cơ bản, chung nhất để quản lý tài nguyên nước, làm cơ sở cho việc quy định khai thác, sử dụng nước của các ngành kinh tế khai thác, sử dụng nước và việc xây dựng mới, sửa đổi, hoàn thiện các luật liên quan tới tài nguyên nước trong thời gian tới theo quan điểm, chủ trương, định hướng đổi mới về quản lý tài nguyên nước”, ông Lê Quang Huy nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu thảo luận.

Chồng chéo pháp luật gây khó khăn cho việc thực thi

Thảo luận về ý kiến của Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ đây là luật khung hay luật chi tiết để có phương án sửa đổi bổ sung phù hợp, đồng thời bày tỏ quan điểm nên xác định Luật Tài nguyên nước là luật chi tiết, hạn chế các điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, thực tế, hệ thống pháp luật về tài nguyên nước vẫn còn bất cập, chồng chéo, chưa rõ cơ chế phối hợp, phạm vi trách nhiệm của các cơ quan liên quan, gây khó khăn cho quá trình thực thi, triển khai, áp dụng. Tuy nhiên, ông Hoàng Thanh Tùng đánh giá dự thảo Luật chưa tháo gỡ được các khó khăn này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có những quy định phân định rõ trách nhiệm, bảo đảm sự thống nhất, tính khả thi trong quy định pháp luật. Về ưu tiên áp dụng Luật Tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, đối chiếu với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và qua rà soát các văn bản, có khoảng 48 luật có quy định khác với Luật Tài nguyên nước, do đó, phải khắc phục vấn đề này để tránh vướng mắc khi thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần tiếp tục rà soát dự thảo luật để khắc phục tối đa các chồng chéo, xung đột pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách về mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về tài nguyên nước để tương thích và thống nhất với Công ước quốc tế về sử dụng các nguồn nước liên quốc gia và Luật Bảo vệ môi trường; đồng thời, tiếp tục rà soát, đối chiếu với các quy định của Luật Thủy lợi.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiến hành thảo luận về một số nội dung cụ thể của dự thảo luật như phục hồi và bảo vệ tài nguyên nước hoặc bảo vệ phát triển tài nguyên nước; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; quy định về giá tính thuế tài nguyên nước theo quy định pháp luật về thuế, giá…

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội để bảo đảm văn bản pháp luật logic, rõ ràng, có tính hệ thống, minh bạch và khả thi.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm sắp tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại kỳ họp thứ năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.