Khi nguồn cung vượt cầu thì thanh long sẽ gặp khó về đầu ra, dẫn đến chuyện nông sản dư thừa, khó tiêu thụ và thường bị thương lái ép giá thu mua. Ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau cho biết, cây thanh long hiện đang phát triển rầm rộ trên địa bàn tỉnh,
Theo ông Thức, khi nguồn cung vượt cầu thì thanh long sẽ gặp khó về đầu ra, dẫn đến chuyện nông sản dư thừa, khó tiêu thụ và thường bị thương lái ép giá thu mua. Bên cạnh đó, hầu hết các hộ dân trồng thanh long đều chưa am hiểu sâu về kỹ thuật trồng, quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho thanh long nên năng suất thường đạt thấp, chất lượng giảm sút.
Thanh Long bán không ai mua nên được dùng làm thức ăn cho chăn nuôi cá, nuôi lợn. Ảnh: Kim Há/TXVN |
Do đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau khuyến cáo, trong thời gian tới, người dân không nên ồ ạt trồng cây thanh long mà chỉ sản xuất tập trung tại một số vùng ngọt hóa, với quy mô khoảng 100 ha, nhưng phải thành lập tổ hợp tác sản xuất để chủ động liên kết với doanh nghiệp giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau, ước tính trên địa bàn tỉnh có đến hàng trăm ha đất vườn, đất trồng lúa và đất rừng tại các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân… đã được người dân cải tạo trồng thanh long (chủ yếu là thanh long ruột đỏ) để phát triển kinh tế gia đình.
Đơn cử, gia đình ông Nguyễn Thanh Khiết (ấp Tân Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) đã cải tạo khoảng 1.000 m2 đất vườn trồng 300 trụ thanh long, mỗi năm gia đình có nguồn thu nhập hơn 80 triệu đồng. Theo ông Khiết, trồng thanh long chỉ bán được giá trong vài năm đầu vì có rất ít người trồng với sản lượng không lớn. Hiện nay, cây thanh long đã phát triển ồ ạt ở nhiều nơi trong tỉnh khiến nguồn cung vượt cầu, giá cả giảm mạnh từ 25.000-30.000 đồng/kg giảm xuống chỉ còn 7.000 đến 10.000 đồng/kg.
Trong hai năm gần đây, nhiều thương lái ở Cà Mau không còn mặn mà với việc thu mua thanh long nữa, nên đến cứ kỳ thu hoạch trái thì gia đình ông Khiết đành mang thanh long ra tận Quốc lộ 1 chào bán với giá rẻ để cạnh tranh với thanh long của các tỉnh Long An, Tiền Giang.., được bày bán tràn lan trên thị trường Cà Mau với giá 3 kg chỉ từ 15.000 đến 20.000 đồng.
Nhiều nhà vườn thanh long ở Cà Mau chẳng những gặp khó vì chưa tìm được đầu ra không ổn định cho nông sản mà còn phải đối mặt với tình trạng nhiều diện tích vườn thanh long bị nhiễm bệnh trước nguy cơ phải đốn bỏ. Ông Khiết lo lắng, trong số 300 gốc thanh long của gia đình thì có đến khoảng 200 gốc bị nhiễm bệnh, khiến năng suất giảm đến 70%. Do vậy, ông Khiết mong muốn các ngành chức năng tỉnh Cà Mau sớm có biện pháp hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh hiệu quả cho cây thanh long.
Không riêng gì gia đình ông Nguyễn Thanh Khiết mà hàng trăm hộ dân ở Cà Mau từng ấp ủ khát vọng làm giàu từ mô hình thanh long đang phân vân là nên giữ hay phá bỏ cây thanh long để thay thế loại các loại cây khác?
Với vùng đất Cà Mau thì mô hình trồng chuối, rau màu hoặc nuôi thủy sản sẽ là lợi thế lớn, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Điều quan trọng, nông dân phải năng động chọn những loại cây trồng vừa có giá trị kinh tế vừa thích ứng với thời tiết, chịu được độ phèn mặn cao; kết hợp với việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất để đảm bảo về nâng suất, chất lượng nông sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.