Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khuyến cáo kiểu "dự báo thời tiết"

Tú Khôi| 23/09/2012 05:57

(HNM) - Khuyến cáo là lời khuyên, hướng dẫn hành động, trong những trường hợp, hoàn cảnh cần thiết để công chúng tìm ra cho mình giải pháp tốt nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại. Khuyến cáo do các cơ quan chức năng công bố công khai trên cơ sở khoa học, thực tế và dễ áp dụng.


Hiện có rất nhiều khuyến cáo về an toàn thực phẩm. Đó là những khuyến cáo thật sự cần thiết, nhưng thật tiếc là không phải tất cả đều dễ hiểu và có thể thực hiện.

Dầu thực vật từ nhiều năm đã thay thế mỡ lợn trong chế biến món ăn, không bởi nó tốt hơn hay thiếu mỡ. Đơn giản là nó tiện dụng. Và nó sẽ trở nên độc hại nếu một lượng dầu được dùng đi dùng lại nhiều lần. Thấy rõ nguy cơ đó, cơ quan bảo vệ sức khỏe cộng đồng khuyến cáo các bà nội trợ "không nên dùng lại nhiều lần". Thế nhưng nhiều lần là bao nhiêu, thì lại không rõ!

Hoa quả nhập khẩu, trước hết là từ Trung Quốc, đang gây lo ngại. Làm sao để tránh được những loại nguy hại? Chuyên gia khuyến cáo: Trước khi mua, người tiêu dùng cần biết nó có ẩn chứa những loại hóa chất tăng trưởng, trừ sâu, bảo quản… độc hại? Cần biết nó xuất xứ từ đâu; là nhập lậu hay chính thức, có dấu của cơ quan kiểm dịch hay không… Có điều họ quên không bày cho người mua là làm tất cả những "kiểm tra, xét nghiệm" ấy ở ngoài phố, trong chợ như thế nào khi ngay cả họ, chuyên gia, trong phòng thí nghiệm cũng phải mất cả tuần chưa chắc tìm ra được!

Các nhà chức trách đang thực sự lo ngại trước tình trạng bánh Trung thu hiện bày bán khắp hang cùng ngõ hẻm. Có rất nhiều chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng trình bày thực trạng sản xuất, tiêu thụ mặt hàng này cùng với khuyến cáo rõ ràng, cụ thể làm thế nào để tránh hàng giả - xem bao bì, thương hiệu, nơi sản xuất, hạn sử dụng, giấy phép của cơ quan chức năng… Những lời khuyên như vậy cũng hữu ích. Nhưng tại sao người ta không làm việc khác đơn giản hơn, hiệu quả hơn và thực sự có lợi cho người tiêu dùng là triệt ngay nguồn sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ những sản phẩm nguy hại ấy? Vì họ nắm rõ những thông tin cần thiết và có khá đủ phương tiện vật chất và pháp lý cần thiết để thực hiện; hơn nữa đó còn là công việc thường ngày, là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nhưng tại sao họ không làm (có thì cũng cho xong hoặc để lấy thành tích)? Nghe chừng khuyên người khác dễ hơn là tự mình làm…

Những khuyến cáo như vậy không mang lại bao nhiêu tác dụng, thậm chí trong nhiều trường hợp còn gây mất lòng tin vào phát ngôn của cơ quan chức năng. Và cuối cùng, đã không giúp được người tiêu dùng, những khuyến cáo như vậy còn gián tiếp thúc đẩy gian thương phát triển vì dân không còn tin những thông tin kiểu "dự báo thời tiết" ấy nữa.

Khuyến cáo của cơ quan chức năng là hết sức cần thiết nhưng liệu có cần thiết khi đưa ra những khuyến cáo mà không thể thực hiện được?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khuyến cáo kiểu "dự báo thời tiết"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.