Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng tại Ukraine chưa có lối thoát

Phương Quỳnh| 23/01/2015 05:33

(HNM) - Thỏa thuận ngừng bắn được ký kết giữa Chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai tại miền Đông nước này có cách đây hơn một tháng đã trở thành con số 0 khi các cuộc giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát sân bay Donetsk liên tục leo thang làm con số thương vong của cả hai bên lên tới hàng nghìn người.

Sân bay Donetsk đã trở thành đống đổ nát.



Có thể thấy được phần nào mức độ khốc liệt của cuộc chiến thông qua những động thái từ cả hai phía. Trong khi Chính phủ Ukraine tiến hành tổng động viên và chuẩn bị ban bố tình trạng chiến tranh thì ngày 22-1, nước Cộng hòa tự xưng Lugansk tuyên bố đã có lực lượng không quân chiến đấu riêng và sẵn sàng tham chiến. Các hình ảnh thu được cho thấy tại sân bay dã chiến của Lugansk, có 1 máy bay vận tải hạng nặng Antonov, 2 máy bay cường kích Su-25, 1máy bay tiêm kích Su-27, 1 máy bay cường kích Su-24, một số máy bay MiG-21 và trực thăng vũ trang.

Việc giành được quyền kiểm soát sân bay Donetsk có một ý nghĩa rất lớn đối với cả hai bên. Sân bay này có chiều dài đường băng gần 4km, thuộc diện dài nhất Châu Âu, đủ sức tiếp nhận các loại máy bay vận tải hạng nặng. Vì thế, bên nào kiểm soát được khu vực chiến lược này sẽ có điều kiện thuận lợi để thiết lập các đầu cầu về giao thông và hậu cần. Với quân ly khai, đó sẽ là hạ tầng quan trọng để xây dựng một nhà nước độc lập ở Đông Ukraine như những gì mà các thủ lĩnh ly khai tuyên bố. Còn với Kiev, việc để mất sân bay Donetsk sẽ là một đòn mạnh giáng vào quyết tâm đánh vào sào huyệt của quân nổi dậy, làm mất uy tín của chính quyền và ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng chiến đấu của quân đội. Ngược lại, nếu giành được sân bay này, quân đội Ukraine sẽ có được điểm tựa chiến lược để triển khai các chiến dịch tấn công vào những địa điểm do phe ly khai kiểm soát tại Donetsk và Lugansk .

Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù bất kỳ bên nào giành quyền kiểm soát sân bay thì cũng không thể sử dụng với mục đích làm căn cứ không quân. Hay nói một cách khác, khu vực này giờ chỉ mang tính biểu tượng. Vài ngày vừa qua, những trận bắn phá ác liệt bằng vũ khí hạng nặng từ cả hai bên đã khiến sân bay Donetsk trở thành một đống đổ nát. Và cái giá phải trả cho một khu đất bị san bằng là mạng sống của không ít binh sĩ. Theo thông báo từ Donetsk, chỉ trong ba ngày giao tranh vừa qua, hơn 500 lính Ukraine đã thiệt mạng, khoảng 1.500 lính bị thương. Còn Kiev cho biết, lực lượng ly khai trong một tuần mất không ít hơn 300 người.

Đáng nói là sự leo thang xung đột trong những ngày qua đang đẩy triển vọng đàm phán của Nhóm Normandy gồm Ukraine, Nga, Đức và Pháp thành kế hoạch "treo". Trong khi đó tiến trình đàm phán nói trên đang được coi là cánh cửa duy nhất mở ra hy vọng chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một năm qua ở Ukraine. Theo nguồn tin mới nhất, sau 3 giờ đàm phán căng thẳng tại "Trại Borsig" ở thủ đô Berlin đêm 21-1, các ngoại trưởng Nhóm Normandy đã nhất trí các bên xung đột tại miền Đông Ukraine phải rút vũ khí hạng nặng khỏi vùng phi quân sự theo thỏa thuận Minsk hồi tháng 9-2014 vừa qua, cũng như phân định ranh giới giữa khu vực chính quyền Kiev và lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraine kiểm soát. Bộ tứ về Ukraine cũng nhất trí tăng cường hoạt động của Nhóm tiếp xúc về Ukraine, bao gồm chính quyền Ukraine, lực lượng đòi độc lập ở vùng Donbass của nước này, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), thành lập các tiểu nhóm làm việc nhằm thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk. Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, những gì đã đạt được trong cuộc gặp trên không thể được coi là "bước tiến" so với thỏa thuận ngừng bắn ký ngày 5-12-2014. Nhiều người lo ngại, đây chỉ là giao ước tạm đình chiến để các bên tái cơ cấu lực lượng cho những cuộc xung đột tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng tại Ukraine chưa có lối thoát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.